3. Lặng lẽ Sapa

Đề tài của truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa. Tóm tắt tác phẩm. Nhận xét về kiểu cốt truyện của tác phẩm.

Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Câu 1

Bài tập 1 (trang 9, vở bài tập Ngữ Văn 8, tập hai):

   Đề tài của truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa.

Phương pháp giải:

Đọc kĩ toàn bộ văn bản từ nhan đề và nội dung chính để rút ra đề tài.

Lời giải chi tiết:

Truyện Lặng lẽ Sa Pa ca ngợi những con người vô danh, hằng ngày khiêm nhường, lặng lẽ cống hiến hết mình cho Tổ quốc một cách thầm lặng. Trong số những con người đó nổi bật lên hình ảnh anh thanh niên làm công tác khí tượng, tự giác vượt mọi khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ và sống đẹp, đem lại niềm vui cho mọi người.

Câu 2

Bài tập 2 (trang 9, vở bài tập Ngữ Văn 8, tập hai):

   Tóm tắt tác phẩm. Nhận xét về kiểu cốt truyện của tác phẩm.

Phương pháp giải:

Đọc kĩ toàn bộ văn bản để tóm tắt tác phẩm qua những sự kiện chính. Từ đó nhận xét về kiểu cốt truyện.

Lời giải chi tiết:

– Tóm tắt: Lặng lẽ Sa Pa kể về cuộc gặp gỡ tình cờ giữa các nhân vật: ông họa sĩ già, cô kỹ sư trẻ, bác lái xe và anh thanh niên làm khí tượng trong vòng nửa giờ trên đỉnh núi Yên Sơn khi xe dừng lại. Ông họa sĩ và cô gái lên thăm nơi ở và làm việc của anh thanh niên trên núi. Anh bộc bạch với họ về công việc, về cuộc sống, về những suy nghĩ của mình. Ông họa sĩ đã kịp ghi lại ký họa chân dung anh. Anh muốn giới thiệu với ông họa sĩ những người khác xứng đáng hơn để vẽ. Họ chia tay nhau trong niềm xúc động.

→ Nhận xét: Lặng lẽ Sa Pa có cốt truyện đơn tuyến. Cốt tuyện rất đơn giản xoay quanh tình huống gặp gỡ bất ngờ của ông họa sĩ già, cô kĩ sư trẻ với anh thanh niên làm việc ở trạm khí tượng trên đỉnh Yên Sơn.

Câu 3

Bài tập 3 (trang 9, vở bài tập Ngữ Văn 8, tập hai):

   Điền thông tin về nhân vật anh thanh niên theo gợi dẫn: 

Phương pháp giải:

Đọc kĩ toàn bộ văn bản để điền thông tin theo gợi dẫn.

Lời giải chi tiết:

Từ các thông tin trên, nêu nhận xét về tính cách nhân vật: Anh thanh niên là một chàng trai có lối sống giản dị, ngăn nắp. Anh yêu công việc và rất có trách nhiệm với những gì mình làm. Tinh tế khi trò chuyện và lắng nghe người khác, có hành động quan tâm tới từng người mà mình có cơ hội gặp gỡ.

Câu 4

Bài tập 4 (trang 10, vở bài tập Ngữ Văn 8, tập hai):

Chân dung nhân vật anh thanh niên hiện ra qua cảm nhận và suy nghĩ của những nhân vật. Tác dụng của cách xây dựng nhân vật như vậy.

Phương pháp giải:

Đọc kĩ toàn bộ văn bản để đưa ra chân dung của nhân vật anh thanh niên và rút ra tác dụng.

Lời giải chi tiết:

Chân dung nhân vật anh thanh niên được hiện ra qua cảm nhận, suy nghĩ của các nhân vật: bác lái xe, ông họa sĩ và cô kĩ sư.

– Nhân vật anh thanh niên hiện ra qua lời giới thiệu ban đầu của bác lái xe: “Tôi sắp giới thiệu với bác một trong những người cô độc nhất thế gian. Thế nào bác cũng thích vẽ hắn”. Qua lời kể của bác, ta biết được những nét sơ lược về công việc của anh thanh niên và việc “thèm” được gặp người của anh.

– Nhân vật anh thanh niên còn được hiện ra qua cái nhìn và suy nghĩ của ông hoạ sĩ: nhà hoạ sĩ già xúc động mạnh khi lần đầu nhìn thấy anh thanh niên; ông rất ngạc nhiên khi bước lên bậc thang bằng đất, thấy người con trai đang hái hoa; hoạ sĩ cảm giác mình bối rối; căn nhà anh thanh niên được miêu tả qua cái nhìn của ông hoạ sĩ; ông thấy ngòi bút của mình bất lực khi vẽ chân dung anh thanh niên; sau khi ghi lại mấy nét gương mặt anh thanh niên, người hoạ sĩ thấy nhọc quá,…

– Nhân vật anh thanh niên hiện ra qua sự cảm nhận của cô kĩ sư nông nghiệp trẻ. Cô gái cảm động và bị cuốn hút trước lời nói của anh thanh niên.

→ Hình ảnh nhân vật anh thanh niên đã hiện lên qua cái nhìn của nhiều nhân vật khác. Vì thế, vẻ đẹp của nhân vật càng thêm trong sáng, lấp lánh, nhưng vẫn gợi cảm giác chân thực.

Câu 5

Bài tập 5 (trang 10, vở bài tập Ngữ Văn 8, tập hai):

Một số chi tiết thể hiện cảm xúc, suy nghĩ của nhân vật ông họa sĩ về con người và nghệ thuật. Nhận xét vai trò của nhân vật ông họa sĩ trong tác phẩm.

Phương pháp giải:

Đọc kĩ toàn bộ văn bản để chỉ ra chi tiết thể hiện cảm xúc, suy nghĩ của nhân vật ông họa sĩ.

Lời giải chi tiết:

Một số chi tiết thể hiện cảm xúc, suy nghĩ của nhân vật ông họa sĩ về con người và nghề thuật trong tác phẩm:

– Khi gặp anh thanh niên, người họa sĩ dường như đã tìm thấy cảm hứng, ý tưởng cho sáng tác nghệ thuật của mình: Vì họa sĩ đã bắt gặp một điều thật ra ông vẫn ao ước được biết, ôi, một nét thôi đủ khẳng định một tâm hồn, khơi gợi một ý sáng tác, một nét mới đủ là giá trị một chuyến đi dài.

– Ông họa sĩ bối rối, nhận thấy sự bất lực của nghệ thuật trước bức chân dung cuộc sống giản dị mà đẹp đẽ: Chao ôi, bắt gặp một con người như anh ta là một cơ hội hãn hữu cho sáng tác, nhưng hoàn thành được sáng tác còn là một chặng đường dài,…

→ Nhận xét: Nhân vật ông họa sĩ có vai trò quan trọng trong tác phẩm. Ông là một nghệ sĩ từng trải, có cảm nhận sâu sắc về cuộc sống. Tác phẩm được trần thuật chủ yếu từ điểm nhìn, cảm nhận, suy nghĩ của ông. Qua nhân vật này, nhà văn Nguyễn Thành Long muốn gửi gắm những trăn trở, suy ngẫm của mình về con người và nghệ thuật. Nhân vật ông họa sĩ đã đem đến cho tác phẩm chiều sâu tư tưởng.

Câu 6

Bài tập 6 (trang 11, vở bài tập Ngữ Văn 8, tập hai):

Cảm nhận của em về một đoạn văn tả cảnh Sa Pa mà em ấn tượng nhất.

Phương pháp giải:

Đọc kĩ toàn bộ văn bản để đưa ra cảm nhận của em về Sa Pa.

Lời giải chi tiết:

“Nắng bây giờ bắt đầu len tới, đốt cháy rừng cây. Những cây thông chỉ cao quá đầu, rung tít trong nắng những ngón tay bằng bạc dưới cái nhìn bao che của những cây tử kinh thỉnh thoảng nhô cái đầu màu hoa cà lên trên màu xanh của rừng. Mây bị nắng xua, cuộn tròn lại từng cục, lăn trên các vòm lá ướt sương, rơi xuống đường cái, luồn cả vào gầm xe.” Đoạn văn đã cho ta cảm nhận được một bức tranh thiên nhiên Sa Pa đầy màu sắc và ánh áng: màu vàng rực rỡ của nắng, màu xanh của rừng cây mênh mông, lấp lánh màu bạc của những ngọn thông rung tít trong nắng, màu tím hoa cà của những cây tử kinh. Thiên nhiên hiện lên sinh động như một bức tranh với vẻ đẹp đặc trưng của nắng, gió, của mây trời giữa vùng núi cao Sa Pa.

Câu 7

Bài tập 7 (trang 11, vở bài tập Ngữ Văn 8, tập hai):

Những suy nghĩ, bài học mà tác phẩm gợi ra cho em.

Phương pháp giải:

Đọc kĩ toàn bộ văn bản để đưa ra suy nghĩ và bài học gợi ra cho bản thân.

Lời giải chi tiết:

Tác phẩm gợi cho em những suy nghĩ, bài học về những con người lao động thầm lặng tạo nên giá trị, góp công sức của bản thân vào công cuộc xây dựng phát triển đất nước của cả dân tộc. Noi gương của những người trẻ cống hiến quên mình cho Tổ quốc, em cũng sẽ cố gắng học tập và trau dồi để sau này trở thành công dân có ích, góp một phần sức lực nhỏ nhoi vào công cuộc đổi mới và phát triển nước nhà.

Câu 8

Bài tập 8 (trang 11, vở bài tập Ngữ Văn 8, tập hai):

Tưởng tượng em là nhân vật ông họa sĩ, ghi lại cảm nghĩ của mình sau cuộc gặp gỡ bất ngờ với anh thanh niên trên đỉnh Yên Sơn trong một đoạn văn (khoảng 7 – 9 câu)

Phương pháp giải:

Đọc kĩ toàn bộ văn bản để tưởng tượng và ghi lại cảm nghĩ sau buổi gặp gỡ bất ngờ với anh thanh niên.

Lời giải chi tiết:

Trong chuyến đi đến đỉnh Yên Sơn, tôi đã gặp được một chàng thanh niên trẻ với tấm lòng nhiệt thành, luôn vô tư cống hiến cho cuộc sống. Anh ấy là một chàng thanh niên trẻ ở độ tuổi sôi nổi nhất, nhưng lại chấp nhận và vui vẻ sống cô đơn một mình trên đỉnh núi cao để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Tuy sống một mình nhưng anh ta vẫn rất sạch sẽ và ngăn nắp, tự tạo ra niềm vui cho chính mình. Sự lạc quan, tích cực ấy của anh thanh niên khiến tôi rất thán phục và yêu mến. Hiểu rõ về công việc của anh ấy sau cuộc trò chuyện, tôi lại càng nể phục những cống hiến của anh cho đất nước, nên có xin vẽ lại chân dung anh vào cuốn sổ tay. Vậy mà anh ấy lại từ chối, với lý do là những việc bản thân làm không có gì to lớn cả, xung quanh có nhiều người cống hiến lớn hơn cho đất nước. Người thanh niên trẻ ấy thật khiến tôi phải đi từ ngạc nhiên này đến bất ngờ khác. Anh ta khiến tôi có thêm niềm tin và hy vọng vào tương lai của đất nước, bởi ở đâu đó cũng có những chàng thanh niên trẻ nhiệt huyết, luôn sẵn sàng cống hiến thầm lặng cho đất nước như vậy.

TẢI APP ĐỂ XEM OFFLINE

Vở thực hành Ngữ văn 8 – Tập 1

Vở thực hành Ngữ văn 8 – Tập 2