16. Đề thi học kì 1 – Đề số 14

Đề thi học kì 1 Văn 10 Cánh diều đề số 14 được biên soạn theo hình thức trắc nghiệm và tự luận có lời giải chi tiết giúp các em ôn tập hiệu quả chuẩn bị cho bài kiểm tra trên lớp

Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Đề thi

I. Đọc – hiểu (6,0 điểm)

       Thuở ấy thế gian chỉ mới có các vị thần. Mặt đất mênh mông dẫu đã có khá nhiều vị thần cai quản song vẫn còn hết sức vắng vẻ. Không muốn để tình cảnh buồn tẻ đó kéo dài, bữa kia hai anh em Prômêtê và Êpimêtê xin với Uranôx và Gaia tạo ra cho thế gian thêm nhiều nhiều cái gì đó để cho cuộc sống đông vui. Uranôx và Gaia ưng thuận. Hai vị giao luôn việc đó cho hai anh em Prômêtê và Êpimêtê. Cậu em, Êpimêtê mừng quá, tranh ngay lấy đất và nước nhào nặn ra, trước hết, là các loài vật và ban cho mỗi con vật một đặc ân của thần, một “vũ khí” để có thể phòng thân, hộ mệnh, bảo vệ được cuộc sống của giống loài mình. Con thì được ban cho ân huệ chạy nhanh như gió. Con thì có đôi mắt sáng xanh nhìn thấu cả đêm đen. Con thì có thân hình khổng lồ mạnh khỏe hết chỗ nói. Có con thân hình bé nhỏ nhưng lại có nọc độc gớm ghê. Rồi con có bộ lông dày, con có sải cánh rộng. Con thì xuống nước không chìm, con thì trèo leo thoăn thoắt… Tóm lại mỗi con vật, mỗi giống loài đều có “vũ khí” cần thiết để sống được ở thế gian.

        Công việc làm xong xuôi, Êpimêtê gọi Prômêtê đến để xem xét lại. Mọi việc đều tốt, rất tốt nữa là đằng khác. Nhưng xem kỹ ra thì tai hại thay, còn sót lại một con, một con mà chàng Êpimêtê đần độn lại quên mất chẳng ban cho một đặc ân, một thứ “vũ khí” gì. Đó là con người! Một con người, nhưng trần trụi, trần trụi hoàn toàn. Phải, đúng là một con người trần trụi hoàn toàn trước mặt Prômêtê. Làm thế nào bây giờ? Làm thế nào để con người sống được ở thế gian khi các “nguyên liệu” đặc ân đã sử dụng phân phối hết rồi? Con người sẽ sống thế nào trước các con vật: hổ, báo, voi, sói, vẹt, nhím, gấu, ngựa, sư tử, cá, chim… là những con vật đã được sáng tạo hoàn hảo? Là những con vật đã được ban cho đặc ân của thần thánh? Và rồi còn phải đương đầu với nắng, mưa, bão tố, núi lửa phun, nước sông dâng, đất liền phút chốc thành biển cả, bãi bể hóa nương dâu… biết bao biến thiên, tai họa khôn lường? Prômêtê đã nghĩ như thế. Và vị thần có bộ óc thông minh, có tài nhìn xa trông rộng này quyết sửa chữa bằng được cái thiếu sót của chú em lơ đễnh, đần độn của mình. Prômêtê dựa theo thân hình trang nhã của các vị thần tái tạo lại con người cho có một thân hình đẹp đẽ thanh tao. Phải làm cho con người đẹp đẽ thanh tao hơn hẳn con vật. Prômêtê lại làm cho con người đứng thẳng lên, đi bằng hai chân để đôi tay được thảnh thơi làm nhiều việc khác. Nhưng như thế vẫn chưa đủ. Con người vẫn còn bấy yếu và thua kém nhiều so với các con vật. Phải làm cho con người mạnh hơn hẳn con vật thì nó mới có thể sống được trong thế gian này. Prômêtê liền băng ngay lên bầu trời cao xa tít tắp, đến tận cỗ xe của thần Mặt Trời Hêliôx, lấy lửa của thần Mặt Trời châm vào ngọn đuốc của mình đem xuống trao cho loài người. Và thế là từ đó, thế gian, mặt đất lúc nào cũng rực cháy ngọn lửa của Prômêtê ban cho. Con người thoát khỏi cảnh sống tăm tối, giá lạnh, đói khát. Ngọn lửa trở thành người bạn thân thiết, người bảo vệ chắc chắn nhất, một vũ khí mạnh nhất của loài người. Ngọn lửa của con người hơn hẳn bộ lông dày, hàm răng sắc, cặp móng nhọn, thân hình đồ sộ, khỏe mạnh, tài bay cao, nhìn xa, chạy nhanh như bất cứ con vật nào.      Và với ngọn lửa của Prômêtê, con người, thế hệ này qua thế hệ khác, tạo dựng cuộc sống của mình ngày càng văn minh hạnh phúc hơn.

Và từ đó dẫu mong manh và yếu đuối.

Giống loài người đã có ngọn lửa của Prômêtê.

Ngọn lửa thiêng dạy họ biết bao nghề.

                                                         (Theo, Nguyễn Văn Khỏa, Thần thoại Hi Lạp, tập 1)

Lựa chọn đáp án đúng nhất:

Câu 1. Xác định thể loại của văn bản.

A. Sử thi

B. Cổ tích

C. Truyền thuyết

D. Thần thoại

Câu 2. Xác định ngôi kể trong văn bản

A. Ngôi thứ nhất

B. Ngôi thứ hai

C. Ngôi thứ ba

D. Kết hợp ngôi thứ nhất và ngôi thứ ba

Câu 3. Để cho thế gian thêm nhiều cái gì đó để cho cuộc sống đông vui, Uranôx và Gaia đã giao việc cho những vị thần nào?

A.Êpimêtê và Prômêtê

B.Uranôx và Gaia

C.Hê – ra – clet và Prômêtê

D.Prômêtê và Gaia

Câu 4. Theo văn bản, vị thần nào đã tạo ra loài người?

A. Thần Dớt

B. Nữ thần Hê-ra

C. Thần Prômêtê

D. Thần Gaia

Câu 5. Văn bản thể hiện nội dung nào dưới đây?

A. Biết ơn người có công với cộng đồng.

B. Tôn vinh người anh hùng.

C. Thương xót con người bé nhỏ.

D. Biết ơn thần linh và con người.

Câu 6. Dòng nào dưới đây nói không đúng về văn bản?

A. Mang yếu tố hoang đường kỳ ảo

B. Kết thúc truyện có hậu

C. Nhân vật có khả năng phi thường

D. Truyện được kể theo lời nhân vật

Câu 7.  Nhân vật Prômêtê hội tụ những vẻ đẹp gì?

A. Vẻ đẹp sức mạnh và cảm xúc

B. Vẻ đẹp thể chất và ước mơ

C. Vẻ đẹp trí tuệ và tình cảm

D. Vẻ đẹp lòng nhân ái và trí tuệ

Trả lời câu hỏi/ Thực hiện yêu cầu:

Câu 8. Hãy nêu những hình dung của mình về thần Prô-mê-tê.

Câu 9. Văn bản giúp em hiểu gì về nhận thức và cách lí giải nguồn gốc con người và thế giới muôn loài của người Hi Lạp?

Câu 10. Qua câu chuyện, người xưa muốn gửi gắm thông điệp gì?

PHẦN II. VIẾT (4,0 điểm)

     Anh/chị hãy viết bài văn trình bày suy nghĩ của mình về sức mạnh của lòng yêu thương đối với con người trong cuộc sống

 

 

Đáp án

 Phần I. ĐỌC HIỂU

Câu 1

Câu 2

Câu 3

Câu 4

Câu 5

Câu 6

Câu 7

D

C

A

C

A

D

D

 

Câu 1. Xác định thể loại của văn bản.

A. Sử thi

B. Cổ tích

C. Truyền thuyết

D. Thần thoại

 Phương pháp giải:

Đọc kĩ văn bản

Nhớ lại kiến thức về thể loại

Lời giải chi tiết:

Thể loại của văn bản: thần thoại

→ Đáp án D

Câu 2. Xác định ngôi kể trong văn bản

A. Ngôi thứ nhất

B. Ngôi thứ hai

C. Ngôi thứ ba

D. Kết hợp ngôi thứ nhất và ngôi thứ ba

 Phương pháp giải:

Đọc kĩ văn bản

Nhớ lại kiến thức về ngôi kể

Lời giải chi tiết:

Văn bản được kể theo ngôi thứ ba

→ Đáp án C

Câu 3. Để cho thế gian thêm nhiều cái gì đó để cho cuộc sống đông vui, Uranôx và Gaia đã giao việc cho những vị thần nào?

A.Êpimêtê và Prômêtê

B.Uranôx và Gaia

C.Hê – ra – clet và Prômêtê

D.Prômêtê và Gaia                   

 Phương pháp giải:

Đọc kĩ văn bản

Lời giải chi tiết:

Để cho thế gian thêm nhiều cái gì đó để cho cuộc sống đông vui, Uranôx và Gaia đã giao việc cho: Êpimêtê và Prômêtê

→ Đáp án A

Câu 4. Theo văn bản, vị thần nào đã tạo ra loài người?

A. Thần Dớt

B. Nữ thần Hê-ra

C. Thần Prômêtê

D. Thần Gaia

 Phương pháp giải:

Đọc kĩ văn bản

Lời giải chi tiết:

Vị thần đã tạo ra loài người là Thần Prômêtê

→ Đáp án C

Câu 5. Văn bản thể hiện nội dung nào dưới đây?

A. Biết ơn người có công với cộng đồng.

B. Tôn vinh người anh hùng.

C. Thương xót con người bé nhỏ.

D. Biết ơn thần linh và con người.

 Phương pháp giải:

Đọc kĩ văn bản

Xác định nội dung chính

 Lời giải chi tiết:

Nội dung chính của văn bản: Biết ơn người có công với cộng đồng

→ Đáp án A

Câu 6. Dòng nào dưới đây nói không đúng về văn bản?

A. Mang yếu tố hoang đường kỳ ảo

B. Kết thúc truyện có hậu

C. Nhân vật có khả năng phi thường

D. Truyện được kể theo lời nhân vật

 Phương pháp giải:

Đọc kĩ văn bản

Phương pháp loại trừ

Lời giải chi tiết:

Dòng nói không đúng về văn bản Truyện được kể theo lời nhân vật

→ Đáp án D

Câu 7.  Nhân vật Prômêtê hội tụ những vẻ đẹp gì?

A. Vẻ đẹp sức mạnh và cảm xúc

B. Vẻ đẹp thể chất và ước mơ

C. Vẻ đẹp trí tuệ và tình cảm

D. Vẻ đẹp lòng nhân ái và trí tuệ

 Phương pháp giải:

Đọc kĩ văn bản

Chú ý các chi tiết miêu tả vẻ đẹp của Prômêtê

Lời giải chi tiết:

Nhân vật Prômêtê hội tụ những vẻ đẹp lòng nhân ái và trí tuệ

→ Đáp án D

Câu 8. Hãy nêu những hình dung của mình về thần Prô-mê-tê.

 Phương pháp giải:

Đọc kĩ văn bản, chú ý các chi tiết miêu tả nhân vật Pro me tê

Nêu hình dung của em

Lời giải chi tiết:

Hình dung thần Pro-me-te: là người coi trọng đến cuộc sống của loài người. Đây là vị thần luôn muốn dành những điều tốt đẹp nhất cho chúng ta. Do đó, có thể khẳng định, đây là một vị thần có tấm lòng nhân hậu, yêu thương con người.

Câu 9. Văn bản giúp em hiểu gì về nhận thức và cách lí giải nguồn gốc con người và thế giới muôn loài của người Hi Lạp?

Phương pháp giải:

Dựa vào phân tích ở trên

Nêu ý kiến của bản thân

Lời giải chi tiết:

Qua văn bản, ta thấy cách nhận thức và lý giải nguồn gốc con người và thế giới muôn loài của người Hy Lạp xưa: chủ yếu dựa vào sự tưởng tượng của người xưa, xuất phát từ tình thương và mong muốn có một cuộc sống phong phú hơn, văn minh hơn, tươi sáng hơn của các vị thần.

Câu 10. Qua câu chuyện, người xưa muốn gửi gắm thông điệp gì?

Phương pháp giải:

Dựa vào những phân tích ở trên

Phân tích thông điệp được gửi gắm

Lời giải chi tiết:

Qua câu chuyện, người xưa còn muốn gửi gắm thông điệp: mỗi loài (con vật, con người) đều cần có những đặc ân riêng, “vũ khí” riêng, sức mạnh riêng để có thể phòng thân, hộ mệnh, tự lập, tự bảo vệ được cuộc sống của chính mình.

PHẦN II. VIẾT (4,0 điểm)

     Anh/chị hãy viết bài văn trình bày suy nghĩ của mình về sức mạnh của lòng yêu thương đối với con người trong cuộc sống

Phương pháp giải

Dựa vào kiến thức và kĩ năng viết bài văn đã học

Lời giải chi tiết

a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận xã hội

b. Xác định đúng vấn đề nghị luận.

Sức mạnh của lòng yêu thương đối với con người trong cuộc sống

c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm

HS có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần giới thiệu được vấn đề cần bàn luận, nêu rõ lí do và quan điểm của bản thân, hệ thống luận điểm chặt chẽ, lập luận thuyết phục, sử dụng dẫn chứng thuyết phục.

Sau đây là một hướng gợi ý:

1. Mở bài

Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: sức mạnh của lòng yêu thương.

2. Thân bài

a. Giải thích

Lòng yêu thương: sự rung động, thấu cảm trước hoàn cảnh, con người. Người có lòng yêu thương là người sống chan hòa với người khác, sẵn sàng giúp đỡ, cho đi mà không mong nhận lại. Yêu thương vô cùng quan trọng trong cuộc sống, mỗi chúng ta hãy sống, yêu thương người khác cũng như yêu thương chính bản thân mình.

b. Phân tích

– Biểu hiện của người sống có tình yêu thương:

Sẵn sàng giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình mà không màng đến tư lợi của bản thân.

Sống vì tập thể, vì người khác, biết nghĩ đến lợi ích chung của tập thể, của mọi người.

Biết lan tỏa những hành động, những thông điệp tốt đẹp đến người khác cũng như tuyên truyền những thông điệp đó để nó lan tỏa tốt hơn.

– Sức mạnh của lòng yêu thương:

Khi giúp đỡ, san sẻ với người khác, ta không chỉ giúp cuộc sống của họ tốt hơn mà ta sẽ nhận lại sự kính trọng, niềm tin yêu của họ dành cho mình. Một xã hội tràn ngập tình yêu thương là một xã hội vô cùng đáng sống.

Mỗi người biết chia sẻ, yêu thương, giúp đỡ người khác sẽ góp phần làm cho xã hội này giàu tình cảm hơn, phát triển văn minh hơn.

c. Chứng minh

Học sinh tự lấy dẫn chứng về nhân vật, sự việc yêu thương, chia sẻ làm minh chứng cho bài làm văn của mình.

d. Phản đề

Tuy nhiên, trong xã hội hiện nay vẫn có không ít người có tính ích kỉ, nhỏ nhen, chỉ biết đến bản thân mình mà không cần suy nghĩ cho người khác, lại có những người vô cảm mặc kệ nỗi đau của đồng loại, dù trong khả năng của mình cũng không giúp đỡ người khác…

3. Kết bài

Khái quát lại vấn đề cần nghị luận: sức mạnh của lòng yêu thương, đồng thời rút ra bài học và liên hệ bản thân.

d. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp Tiếng Việt.

e. Sáng tạo: Bài viết có giọng điệu riêng; cách diễn đạt sáng tạo, văn phong trôi chảy.

Sachgiaihay.com

TẢI APP ĐỂ XEM OFFLINE