1. Bài 28. Vai trò, đặc điểm, cơ cấu ngành công nghiệp, các nhân tố ảnh hưởng tới sự phát triển và phân bố công nghiệp

1. Trình bày vai trò của ngành công nghiệp. 2. Nêu đặc điểm của ngành công nghiệp. 3. Trình bày cơ cấu của ngành công nghiệp. 4. Hãy sắp xếp các ngành công nghiệp dưới đây vào hai nhóm. 5. hân tích vai trò của các nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển và phân bố các ngành công nghiệp…

Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

? mục 1

Trả lời câu hỏi mục 1a trang 79 SGK Địa lí 10

Dựa vào thông tin trong mục a, hãy trình bày vai trò của ngành công nghiệp.

Phương pháp giải:

Đọc thông tin mục 1a (vai trò).

Lời giải chi tiết:

Công nghiệp là ngành đóng vai trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân, có tác dụng toàn động toàn diện đến sản xuất và đời sống xã hội. Cụ thể:

– Cung cấp tư liệu sản xuất cho toàn bộ nền kinh tế, qua đó góp phần thúc đẩy tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

– Cung cấp lượng hàng tiêu dùng phong phú, đa dạng nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống và là nguồn hàng xuất khẩu quan trọng. Sản xuất công nghiệp góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho một bộ phận lớn dân cư.

– Công nghiệp góp phần khai thác có hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, làm biến đổi không gian kinh tế và đóng vai trò hạt nhân phát triển vùng kinh tế.

Trả lời câu hỏi mục 1b trang 79 SGK Địa lí 10

Dựa vào thông tin mục b, hãy nêu đặc điểm của ngành công nghiệp.

Phương pháp giải:

Đọc thông tin mục 1b (đặc điểm).

Lời giải chi tiết:

Đặc điểm của ngành công nghiệp:

– Gắn liền với sử dụng máy móc và áp dụng công nghệ.

– Có mức độ tập trung hóa, chuyên môn hóa và hợp tác hóa rất cao.

– Đòi hỏi tiêu thụ nguyên liệu đầu vào lớn nên lượng chất thải ra môi trường nhiều.

– Có tính linh động cao về mặt phân bố theo không gian.

– Nền công nghiệp hiện đại gắn liền với tự động hóa, ứng dụng công nghệ cao, đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển.

Trả lời câu hỏi 1 mục 1c trang 80 SGK Địa lí 10

Dựa vào thông tin mục c, hãy trình bày cơ cấu của ngành công nghiệp.

Phương pháp giải:

Đọc thông tin mục 1c (cơ cấu) và sơ đồ trong mục c.

Lời giải chi tiết:

Dựa vào tính chất tác động đến đối tượng lao động, người ta chia sản xuất công nghiệp thành hai nhóm chính:

– Công nghiệp khai thác: gồm các ngành khai thác tài nguyên thiên nhiên (khoáng sản, nước, sinh vật…) để tạo ra nguyên liệu, nhiên liệu cho các ngành công nghiệp chế biến.

– Công nghiệp chế biến: gồm các ngành chế biến vật chất tự nhiên và nhân tạo thành các sản phẩm phục vụ nhu cầu sản xuất và tiêu dùng.

Trả lời câu hỏi 2 mục 1c trang 80 SGK Địa lí 10

Hãy sắp xếp các ngành công nghiệp dưới đây vào hai nhóm (công nghiệp khai thác và công nghiệp chế biến), sao cho phù hợp: công nghiệp điện lực, công nghiệp khai thác than; công nghiệp thực phẩm; công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng; công nghiệp khai thác dầu khí; công nghiệp điện tử, tin học.

Phương pháp giải:

Dựa vào lược đồ để xác định khái niệm hai nhóm ngành công nghiệp và phân loại:

Lời giải chi tiết:

– Ngành công nghiệp khai thác: công nghiệp khai thác than, công nghiệp khai thác dầu khí.

– Ngành công nghiệp chế biến: công nghiệp điện lực, công nghiệp thực phẩm, công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng, công nghiệp điện tử – tin học.

? mục 2

Trả lời câu hỏi mục 2 trang 80 SGK Địa lí 10

Dựa vào thông tin trong mục 2, hãy phân tích vai trò của các nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển và phân bố công nghiệp.

Phương pháp giải:

Đọc thông tin mục 2 (Các nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển và phân bố công nghiệp).

Lời giải chi tiết:

* Các nhân tố bên trong

– Vị trí địa lí: ảnh hưởng tới việc phân bố các cơ sở sản xuất cũng như mức độ thuận lợi để thu hút các yếu tố bên ngoài (vốn, thị trường, công nghệ,…).

– Điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên:

+ Khoáng sản: là nguyên, nhiên liệu quan trọng cho phát triển công nghiệp; trữ lượng, chất lượng và chủng loại khoáng sản trên lãnh thổ sẽ chi phối sự phân bố, quy mô, cơ cấu và tổ chức các xí nghiệp công nghiệp.

+ Nguồn thủy năng sông suối là điều kiện để phát triển công nghiệp thủy điện.

+ Tài nguyên đất, khí hậu, nước, rừng và biển tác động đến sản xuất nông nghiệp từ đó mà ảnh hưởng đến nguồn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến lương thực – thực phẩm.

– Điều kiện kinh tế – xã hội:

+ Dân cư – lao động: vừa tác động đến thị trường tiêu thụ sản phẩm vừa đảm bảo nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp.

+ Trình độ khoa học công nghệ: giúp cho ngành công nghiệp phát triển nhanh và bền vững, hình thành những ngành công nghiệp mới, thay đổi sự phân bố công nghiệp.

+ Nguồn vốn và thị trường tạo điều kiện để ngành công nghiệp thay đổi cả về quy mô và cơ cấu, tạo đòn bẩy cho sự phát triển.

+ Chính sách công nghiệp ảnh hưởng tới hướng phát triển, tốc độ phát triển, các hình thức tổ chức lãnh thổ,…của ngành công nghiệp.

=> Nhân tố quyết định đến sự phát triển và phân bố ngành công nghiệp.

* Các nhân tố bên ngoài

Các nhân tố bên ngoài gồm vốn đầu tư, nguồn nhân lực chất lượng cao, khoa học – công nghệ, thị trường từ bên ngoài lãnh thổ,…tạo thành sức mạnh, điều kiện để phát triển và phân bố các ngành công nghiệp, đặc biệt ở giai đoạn phát triển ban đầu.

Luyện tập

Giải bài luyện tập trang 80 SGK Địa lí 10

Hãy thể hiện các nhân tố ảnh hưởng tới sự phát triển và phân bố ngành công nghiệp bằng một sơ đồ. Nêu ví dụ cụ thể về ảnh hưởng của một nhân tố đến sự phát triển và phân bố công nghiệp.

Phương pháp giải:

Dựa vào kiến thức đã học về các nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển và phân bố công nghiệp.

Lời giải chi tiết:

Ví dụ: Ảnh hưởng của dân cư và nguồn lao động.

– Nơi có nguồn lao động dồi dào cho phép phát triển và phân bố các ngành công nghiệp cần nhiều lao động như dệt – may, giày – da, công nghiệp thực phẩm. Đây là những ngành không đòi hỏi trình độ công nghệ và chuyên môn cao.

– Nơi có đội ngũ lao động kĩ thuật cao, công nhân lành nghề gắn với các ngành công nghiệp hiện đại, đòi hỏi hàm lượng công nghệ và “chất xám” cao trong sản phẩm như kĩ thuật điện, điện tử – tin học, cơ khí chính xác,…

– Dân cư đông còn tạo nên thị trường tiêu thụ rộng lớn, thúc đẩy sản xuất công nghiệp phát triển.

Ví dụ: Nước ta có nguồn lao động trẻ, dồi dào, năng động và giá rẻ => thu hút nhiều vốn FDI từ nước ngoài (Hàn Quốc, Đài Loan, Singapo…). Lao động đông cũng tạo nên thế mạnh các ngành kinh tế trọng điểm ở nước ta như: công nghiệp chế biến, dệt – may, sản xuất hàng tiêu dùng, cơ khí…

Vận dụng

Giải bài vận dụng trang 80 SGK Địa lí 10

Hãy tìm hiểu về một cơ sở công nghiệp (vị trí của cơ sở, chủ đầu tư, sản phẩm, thị trường tiêu thụ sản phẩm,…) và ý nghĩa của cơ sở đó với kinh tế – xã hội địa phương.

Phương pháp giải:

– Tìm kiếm các cơ sở công nghiệp ở địa phương mình thông qua internet và chọn lọc các thông tin về vị trí, chủ đầu tư, sản phẩm và thị trường tiêu thụ

– Về ý nghĩa, phân tích các ý nghĩa đối với ngành công nghiệp của tỉnh, lao động – việc làm, cơ sở hạ tầng địa phương,…

Lời giải chi tiết:

Khu công nghiệp VSIP ở Nghệ An:

– Khu công nghiệp VSIP Nghệ An có quy mô 750 ha nằm tại xã Hưng Tây, Hưng Đạo, thị trấn Hưng Nguyên, huyện Hưng Nguyên và xã Hưng Chính, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An.

– Khu công nghiệp nằm ở vị trí đắc địa, kết nối với nhiều tuyến giao thông huyết mạch QL 1A, QL 46A, QL 46B và Đại lộ Vinh – Cửa Lò. Khu công nghiệp có hệ thống kế nối giao thông thuận tiện, đảm bảo cả được biển, đường bộ, đường sắt, đường hàng không.

– Các nhà đầu tư hiện tại đến từ nhiều quốc gia như: Công ty TNHH Becker Industrial Coatings – Chi nhánh Nghệ An (BECKER) (Thụy Điển), BIOMASS FUEL, Công ty TNHH Biomass Fuel Việt Nam (Nhật Bản), Công ty TNHH SANGWOO Việt Nam (Hàn Quốc), Công ty HPL (Singapore), Công ty TNHH EM-TECH Việt Nam Vinh (Hàn Quốc). Tại đây phát triển các ngành công nghiệp chính là sản xuất sơn công nghiệp, hàng may mặc và linh kiện điện tử.

=> Ý nghĩa: 

– Đóng góp lớn vào giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh Nghệ An, thúc đẩy cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch tích cực.

– Là một trong những điểm sáng để thu hút đầu tư vào nước ngoài.

– Tạo việc làm bước đầu cho hơn 11.800 lao động địa phương, nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống.

– Thu hút đầu tư về cơ sở hạ tầng của tỉnh.

TẢI APP ĐỂ XEM OFFLINE

Phần 1. Một số vấn đề chung

Phần 2. Địa lí tự nhiên

Phần 3. Địa lí kinh tế – xã hội