Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn
Mở đầu
Trả lời câu hỏi Mở đầu trang 6 sách giáo khoa Giáo dục Kinh tế và pháp luật 11 – Cánh diều
Em hãy nêu ví dụ về một hàng hóa được cung cấp bởi nhiều chủ thể sản xuất và cho biết sự khác biệt giữa các sản phẩm đó. Theo em, vì sao các chủ thể sản xuất luôn tạo ra sự khác biệt như vậy?
Phương pháp giải:
– Dựa vào kiến thức thực tế của bản thân để lấy được ví dụ về một hàng hóa được cung cấp bởi nhiều chủ thể sản xuất và cho biết sự khác biệt giữa các sản phẩm đó.
– Giải thích được vì sao các chủ thể sản xuất luôn tạo ra sự khác biệt như vậy.
Lời giải chi tiết:
– Hãng Vinamilk và TH True milk cùng cung cấp sản phẩm là sữa.
Tiêu chí
|
Sữa Vinamilk
|
Sữa TH True milk
|
Thương hiệu
|
Thương hiệu sản xuất, cung ứng sữa hàng đầu Việt Nam với hơn 45 năm thành lập.
|
Thương hiệu trẻ Việt Nam với hơn 11 năm thành lập và phát triển trong ngành sữa.
|
Nguồn nguyên liệu
|
Nguồn nguyên liệu sữa tươi được cung cấp từ hệ thống trang trại bò sữa được đầu tư hiện đại của Vinamilk và các hộ chăn nuôi bò sữa bên ngoài có hợp tác với công ty.
|
Hoàn toàn từ hệ thống trang trại của TH True Milk đạt tiêu chuẩn cao.
|
Các dòng sản phẩm
|
Sữa tươi và sữa dinh dưỡng, sữa thanh trùng, sữa chua, sữa chua uống, sữa trái cây và sữa chua trái cây, sữa đặc, sữa thực vật,…
|
Sữa tiệt trùng, sữa thanh trùng, sữa hạt, sữa chua tự nhiên, dòng sản phẩm công thức Topkid,…
|
Hương vị
|
Thơm ngon, hấp dẫn, chứa nhiều hương vị tự nhiên như: sữa tươi vị dâu, sữa tươi socola, cam, chuối, nho,…
|
Thơm ngon, thanh béo, có dòng sữa ít ngọt.
|
Thành phần dinh dưỡng
|
Chứa nhiều dưỡng chất thiết yếu đối với cơ thể như: Vitamin A, B2, B12, D, chất béo, chất đạm, canxi và các nguyên tố vi lượng.
|
Chứa nhiều dưỡng chất cần thiết cho cơ thể như: Vitamin A, B, D, sắt, canxi, chất béo, chất đạm,…
|
Công nghệ sản xuất
|
– Công nghệ hiện đại, an toàn, đạt tiêu chuẩn quốc tế.
– Tuân thủ nguyên tắc 3 không: không hormone tăng trưởng, không lạm dụng kháng sinh, không thuốc trừ sâu.
|
– Công nghệ tiên tiến, đạt chuẩn quốc tế.
– Áp dụng công nghệ thanh trùng ESL hiện đại của Đức.
– Tuân thủ đúng nhiệt độ và thời gian.
|
Bao bì và đóng gói
|
Đóng gói dạng hộp, bịch, chai tùy loại sản phẩm.
|
Đóng gói dạng hộp, bịch, chai, thùng sữa TH True milk tùy loại sản phẩm
|
Giá thành
|
Khoảng 320.000VNĐ/1 thùng 48 hộp sữa tươi tiệt trùng 180ml.
|
Khoảng 380.000VNĐ/1 thùng 48 hộp sữa tươi tiệt trùng 180ml.
|
– Các chủ thể sản xuất kinh doanh luôn tạo ra sự khác biệt giữa các sản phẩm nhằm mục đích tạo ra ưu thế cạnh tranh, thu hút người tiêu dùng chú ý đến sản phẩm của mình.
? mục 1
Trả lời câu hỏi mục 1 trang 7 sách giáo khoa Giáo dục Kinh tế và pháp luật 11 – Cánh diều
Em hãy đọc trường hợp sau để trả lời câu hỏi
a. Các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh nước giải khát Việt Nam đã thực hiện những hoạt động gì để tạo ra sự khác biệt cho sản phẩm của mình?
b. Theo em, những hoạt động đó có phải là cạnh tranh không? Vì sao?
Phương pháp giải:
a. Đọc trường hợp và nêu được cách các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh nước giải khát Việt Nam đã thực hiện để tạo ra sự khác biệt cho sản phẩm của mình.
b. Trình bày quan điểm của bản thân về những hoạt động đó có phải là cạnh tranh không. Giải thích được vì sao em lại lựa chọn như vậy.
Lời giải chi tiết:
a. Để tạo ra sự khác biệt cho sản phẩm của mình, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh nước giải khát Việt Nam đã:
– Lựa chọn chiến lược đa dạng hoá sản phẩm, nâng cao chất lượng, tìm cách giảm chi phí sản xuất và tạo ra sự khác biệt về sản phẩm…
– Tận dụng lợi thế nền nông nghiệp nhiệt đới, tạo ra các loại sản phẩm nước giải khát có nguồn gốc từ thiên nhiên như nước cam, chanh, nho, nha đam,…
b. Những hoạt động trên của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh nước giải khát Việt Nam chính là biểu hiện của cạnh tranh. Vì những hoạt động này hướng tới các mục tiêu là:
– Giành điều kiện thuận lợi trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa.
– Tạo ra sự khác biệt về sản phẩm để thu hút người tiêu dùng, từ đó có thể thu về lợi ích kinh tế cao nhất.
? mục 2
Trả lời câu hỏi mục 2 trang 7 sách giáo khoa Giáo dục Kinh tế và pháp luật 11 – Cánh diều
Em hãy đọc trường hợp sau và trả lời câu hỏi
a. Em hãy cho biết những chủ thể sản xuất kinh doanh được nhắc đến trong các trường hợp trên. Các chủ thể đó có sự khác biệt gì với nhau?
b. Vì sao các chủ thể đó luôn phải nỗ lực chinh phục người tiêu dùng? Những yếu tố nào giúp sản phẩm thu hút được sự chú ý của người tiêu dùng?
Phương pháp giải:
a. Đọc trường hợp để chỉ ra được những chủ thể sản xuất kinh doanh được nhắc đến trong các trường hợp trên và sự khác biệt giữa các chủ thế đó.
b. Giải thích được vì sao các chủ thể đó luôn phải nỗ lực chinh phục người tiêu dùng. Chỉ ra được những yếu tố giúp sản phẩm thu hút được sự chú ý của người tiêu dùng.
Lời giải chi tiết:
a. Trường hợp 1:
– Những chủ thể được nhắc đến là: hộ gia đình; chủ trang trại; hợp tác xã; doanh nghiệp.
– Giữa các chủ thể có sự khác biệt về công nghệ sản xuất sản phẩm. Ví dụ:
+ Hộ gia đình chế biến nông sản theo phương pháp thủ công truyền thống.
+ Các chủ trang trại; hợp tác xã; doanh nghiệp… tạo ra sản phẩm thông qua công nghệ sản xuất hiện đại hơn.
Trường hợp 2:
– Những chủ thể được nhắc đến là: doanh nghiệp thời trang Việt Nam và doanh nghiệp thời trang nước ngoài.
– Giữa các chủ thể có sự khác biệt về nguồn lực sản xuất, bao gồm: vốn, công nghệ, mức độ chuyên nghiệp…
b. – Mục đích cuối cùng của các chủ thể sản xuất kinh doanh là bán được nhiều sản phẩm, qua đó để tăng doanh thu, lợi nhuận. Vì vậy, các chủ thể sản xuất kinh doanh luôn phải nỗ lực chinh phục người tiêu dùng.
– Một số yếu tố giúp sản phẩm thu hút được sự chú ý của người tiêu dùng là: giá cả, mẫu mã, chất lượng, tính năng, công dụng… của sản phẩm
? mục 3
Trả lời câu hỏi mục 3 trang 9 sách giáo khoa Giáo dục Kinh tế và pháp luật 11 – Cánh diều
Em hãy đọc trường hợp và trả lời câu hỏi
a. Doanh nghiệp H đã làm gì để giành thắng lợi trong cạnh tranh? Điều này có tác dụng gì đối với sản xuất kinh doanh và doanh nghiệp?
b. Cạnh tranh giữa những người cung cấp dịch vụ taxi đem lại lợi ích gì cho người tiêu dùng?
Phương pháp giải:
a. Đọc trường hợp và chỉ ra được cách doanh nghiệp H đã làm để giành thắng lợi trong cạnh tranh. Nêu lên tác dụng của điều đó đối với sản xuất kinh doanh và doanh nghiệp.
b. Nêu được lợi ích của cạnh tranh giữa những người cung cấp dịch vụ taxi đối với người tiêu dùng.
Lời giải chi tiết:
a. – Để giành thắng lợi trong cạnh tranh, doanh nghiệp H đã đầu tư máy móc hiện đại hơn, sử dụng dây chuyền công nghệ mới, tự động hoá một số công đoạn sản xuất.
– Tác dụng: Nhờ việc hoàn thiện quy trình sản xuất, doanh nghiệp H đã rút ngắn được 1/3 thời gian sản xuất, giảm 50% nhân công vận hành, giảm chi phí nhân công 5 lần đối với mỗi sản phẩm và năng suất lao động tăng gần 5 lần so với công nghệ cũ.
b. Cạnh tranh giữa những người cung cấp dịch vụ Taxi đã giúp cho khách hàng được hưởng nhiều lợi ích hơn, ví dụ như: được tiếp cận với các dịch vụ taxi có chất lượng tốt, giá cả hợp lí hơn; nhận được thái độ phục vụ, hướng dẫn tận tình hơn.
? mục 4
Trả lời câu hỏi mục 4 trang 9 sách giáo khoa Giáo dục Kinh tế và pháp luật 11 – Cánh diều
Em hãy đọc trường hợp và trả lời câu hỏi
a. Theo em, hành vi của doanh nghiệp B là thể hiện cạnh tranh như thế nào? Hành vi đó vi phạm điều gì trong nguyên tắc cạnh tranh? Việc cạnh tranh như vậy dẫn đến hậu quả gì?
b. Từ các trường hợp trên, em hiểu thế nào là cạnh tranh không lành mạnh?
c. Theo em các chủ thể sản xuất kinh doanh cần phải làm gì để ngăn ngừa, hạn chế cạnh tranh không lành mạnh?
Phương pháp giải:
a. Đọc trường hợp và phân tích được hành vi cạnh tranh của doanh nghiệp B.
b. Từ các trường hợp trên, nêu được ý hiểu của bản thân về cạnh tranh không lành mạnh.
c. Chỉ ra được cách các chủ thể sản xuất kinh doanh có thể làm để ngăn ngừa, hạn chế cạnh tranh không lành mạnh.
Lời giải chi tiết:
a. – Hành vi của doanh nghiệp B đã thể hiện sự cạnh tranh không lành mạnh với doanh nghiệp A, vì đã thiết kế bao bì với tên sản phẩm, màu sắc và hoạ tiết gây nhầm lẫn với sản phẩm của doanh nghiệp A.
– Hành vi cạnh tranh không lành mạnh của doanh nghiệp B đã vi phạm nguyên tắc thiện chí, trung thực và các chuẩn mực trong sản xuất, kinh doanh.
– Hành vi của doanh nghiệp B đã gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại tới quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp A.
b. Cạnh tranh không lành mạnh là hành vi trái với nguyên tắc thiện chí, trung thực, tập quán thương mại và các chuẩn mực trong sản xuất, kinh doanh, gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại tới quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể khác.
c. Để ngăn ngừa, hạn chế cạnh tranh không lành mạnh, các doanh nghiệp cần:
– Tuân thủ các quy định của pháp luật về kinh doanh và các chính sách về cạnh tranh.
– Đẩy mạnh quan tâm, xúc tiến việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa, kiểu dáng công nghiệp theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ.
– Tự xây dựng cho mình một chiến lược cạnh tranh chuyên nghiệp và dài hạn như: xây dựng và quảng bá thương hiệu; xây dựng những kênh phân phối mới, các sản phẩm mới; khai thác lợi thế cạnh tranh của riêng mình.
Luyện tập 1
Trả lời câu hỏi 1 trang 10 sách giáo khoa Giáo dục Kinh tế và pháp luật 11 – Cánh diều
Em hãy cho biết các nhận định sau đây về cạnh tranh trong nền kinh tế là đúng hay sai. Vì sao?
Phương pháp giải:
– Đọc các nhận định và dựa vào nội dung bài học để bày tỏ quan điểm của bản thân.
– Lí giải vì sao em cho là đúng hoặc sai.
Lời giải chi tiết:
– Nhận định A. Không đồng tình, vì: Cạnh tranh là sự ganh đua, đấu tranh giữa các chủ thể tham gia thị trường, nhằm giành điều kiện thuận lợi trong sản xuất, mua bán, tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ để có thể thu về lợi ích kinh tế cao nhất.
– Nhận định B. Đồng tình, vì: Trong nền kinh tế thị trường, giữa các chủ thể có sự khác biệt về: nguồn lực; điều kiện sản xuất, mua bán và tiêu dùng, do đó, các chủ thể kinh tế luôn phải cạnh tranh với nhau để giành được lợi ích cao nhất cho mình.
– Nhận định C. Không đồng tình, vì: Cạnh tranh là sự ganh đua, đấu tranh giữa các chủ thể tham gia thị trường, để có thể thu về lợi ích kinh tế cao nhất. Ví dụ:
+ Giữa các chủ thể sản xuất có sự cạnh tranh với nhau, giành giật những điều kiện thuận lợi trong sản xuất và tiêu thụ hàng hóa.
+ Người tiêu dùng luôn ganh đua với nhau để mua được hàng hóa rẻ hơn với chất lượng tốt hơn.
+ Người sản xuất và người tiêu dùng thường xuyên cạnh tranh với nhau để đạt được lợi ích nhiều nhất từ hoạt động trao đổi trên thị trường.
– Nhận định D. Đồng tình, vì: Trong nền kinh tế thị trường, các chủ thể luôn có sự ganh đua, giành giật những cơ hội thuận lợi để có thể thu về lợi ích kinh tế cao nhất.
– Nhận định E. Không đồng tình, vì: Mục đích cao nhất của cạnh tranh giữa các chủ thể kinh tế là nhằm thu về lợi ích kinh tế cho bản thân.
Luyện tập 2
Trả lời câu hỏi 2 trang 10 sách giáo khoa Giáo dục Kinh tế và pháp luật 11 – Cánh diều
Em hãy chỉ ra những nhận định đúng về nguyên nhân cạnh tranh trong các câu sau và giải thích vì sao.
Phương pháp giải:
– Đọc và chỉ ra những nhận định đúng về nguyên nhân cạnh tranh trong các câu trên.
– Lí giải ì sao em cho là đúng.
Lời giải chi tiết:
Những nhận định đúng về nguyên nhân cạnh tranh là: A, B, D.
Giải thích:
– Cạnh tranh trên thị trường diễn ra là do các chủ thể kinh tế có sự khác biệt về hình thức sở hữu nguồn lực; các chủ thể này lại tồn tại độc lập với nhau; chủ thể nào cũng hành động trước hết vì lợi ích của mình.
– Vì các nguồn lực có hạn, các điều kiện sản xuất, mua bán và tiêu dùng khác nhau nên để thực hiện được lợi ích của mình, các chủ thể kinh tế phải cạnh tranh với nhau.
+ Các chủ thể sản xuất luôn phải giành giật những điều kiện thuận lợi trong sản xuất và tiêu thụ hàng hóa nhằm thu được lợi nhuận cao nhất cho mình.
+ Người tiêu dùng cũng luôn ganh đua với nhau để mua được hàng hóa rẻ hơn với chất lượng tốt hơn.
+ Người sản xuất và người tiêu dùng cũng thường xuyên cạnh tranh với nhau để đạt được lợi ích nhiều nhất cho mình từ hoạt động trao đổi trên thị trường.
Luyện tập 3
Trả lời câu hỏi 3 trang 10 sách giáo khoa Giáo dục Kinh tế và pháp luật 11 – Cánh diều
Em hãy phân tích vai trò của cạnh tranh trong nền kinh tế qua những trường hợp dưới đây
Phương pháp giải:
Đọc các trường hợp và phân tích vai trò của cạnh tranh trong nền kinh tế qua những trường hợp đó.
Lời giải chi tiết:
– Trường hợp a. Vai trò của cạnh tranh là: tạo điều kiện để người tiêu dùng được tiếp cận hàng hóa, dịch vụ với chất lượng tốt, phong phú về mẫu mã, chủng loại, giá cả hợp lí. Do đó, nhu cầu của người tiêu dùng được đáp ứng tốt hơn.
– Trường hợp b. Vai trò của cạnh tranh là: tạo động lực, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển.
– Trường hợp c. Vai trò của cạnh tranh là: giúp quảng bá và nâng cao chất lượng sản phẩm từ đó chinh phục được thị trường trong và ngoài nước.
– Trường hợp d. Vai trò của cạnh tranh là: các nguồn lực kinh tế được sử dụng linh hoạt, hiệu quả, giúp tỉnh H duy trì được làng dệt lụa truyền thống, duy trì thị trường phục vụ khách du lịch trong và ngoài nước.
Luyện tập 4
Trả lời câu hỏi 4 trang 11 sách giáo khoa Giáo dục Kinh tế và pháp luật 11 – Cánh diều
Em đồng tình hay không đồng tình với hành động của giám đốc công ty H trong tình huống này? Vì sao?
Phương pháp giải:
– Em đọc tình huống và bày tỏ quan điểm của bản thân với hành động của giám đốc công ty H trong tình huống đó.
– Giải thích được vì sao em đồng tình hoặc không đồng tình.
Lời giải chi tiết:
Em không đồng tình với hành động của giám đốc công ty H, vì: Việc sử dụng những nguyên liệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ… tuy đem lại lợi ích trước mắt là giảm chi phí sản xuất, nhưng để lại những hậu quả lâu dài, nghiêm trọng, như:
– Hạ chất lượng sản phẩm;
– Làm mất uy tín của doanh nghiệp;
– Gây nguy hiểm đến sức khỏe của người tiêu dùng; đồng thời cũng gây mất niềm tin của khách hàng vào sản phẩm của doanh nghiệp…
Vận dụng 1
Trả lời câu hỏi 1 trang 11 sách giáo khoa Giáo dục Kinh tế và pháp luật 11 – Cánh diều
Em và các bạn đóng vai người bán cùng một mặt hàng. Hãy thuyết phục để người mua lựa chọn sản phẩm của em. (Gợi ý: cân nhắc về mức giá, chất lượng sản phẩm, cách thức thanh toán, điều kiện giao hàng,…).
Phương pháp giải:
Viết được một kịch và cùng các bạn đóng vai người bán cùng một mặt hàng. Đưa ra cách thuyết phục để người mua lựa chọn sản phẩm của em.
Lời giải chi tiết:
Nhân viên bán hàng: Chào mừng anh/chị đến với shop ạ? Xin hỏi anh/chị muốn mua sản phẩm nào ạ?
Khách hàng:
Trường hợp 1: Mình muốn mua một số áo phông mùa hè (khách hàng đã có sản phẩm mong muốn cần mua).
Trường hợp 2: Bạn để mình tự đi xem đồ nhé! (Khách hàng muốn tự do mua mẫu họ thích).
Trường hợp 3: Mình muốn tìm sản phẩm áo phông kiểu này (Khách hàng có nhu cầu về loại sản phẩm và muốn được tư vấn).
Nhân viên bán hàng:
Trường hợp 1: Dạ vâng, đây là mẫu áo phông bên anh/chị muốn tìm ạ (Giới thiệu chi tiết về chất liệu, màu sắc, tính thời trang giúp khách hàng định hình rõ hơn).
Trường hợp 2: Dạ, anh/chị cứ thoải mái tham quan và có thể dùng thử sản phẩm ạ (với các sản phẩm được phép thử như quần áo, phụ kiện, máy móc,…) và gọi em hỗ trợ nếu cần nhé!
Trường hợp 3: Vâng, với nhu cầu này của anh/ chị thì bên em đang có các mẫu áo phông này. Anh/ chị có thể nói chi tiết hơn về nhu cầu của mình để em tư vấn kỹ và lựa chọn sản phẩm phù hợp hơn cho mình không ạ?
Khách hàng: Bộ quần áo này có gì nổi bật em? Nếu anh/ chị dùng để mặc đi tiệc thì có ổn không? Hoặc anh/ chị muốn thử bộ này size khác được không?
Nhân viên bán hàng:
So với các sản phẩm khác cùng phân khúc trên thị trường, mẫu quần áo do bên em thiết kế có tính năng nổi bật nhất là (mô tả ngắn gọn ưu điểm nổi bật). Anh/chị dùng bộ này để … thì rất phù hợp ạ.
Hoặc: Vâng, anh/ chị muốn size bao nhiêu ạ? Em sẽ đi lấy ngay cho anh/chị ạ. (sau khi nghe câu trả lời).
Khách hàng:
Trường hợp 1: Bạn thanh toán giúp tôi.
Trường hợp 2: Ừm, tôi không thích lắm/không hợp với tôi lắm/giá hơi đắt,…
Nhân viên bán hàng:
Trường hợp 1: Vâng, đơn hàng của anh/chị có giá là… . Anh/chị thanh toán bằng thẻ hay tiền mặt ạ?
Trường hợp 2: Dạ, anh/chị có muốn tìm hiểu sản phẩm khác không ạ? Bên em mới ra,… hoặc còn có… (giới thiệu, tư vấn cho khách về các sản phẩm khác).
Cảm ơn anh/chị.
Vận dụng 2
Trả lời câu hỏi 2 trang 11 sách giáo khoa Giáo dục Kinh tế và pháp luật 11 – Cánh diều
Em hãy thiết kế sản phẩm để phê phán các biểu hiện cạnh tranh không lành mạnh và chia sẻ thông điệp với các bạn trong lớp.
Phương pháp giải:
– Thiết kế được sản phẩm (tiểu phẩm, bài viết, tranh vẽ,…) để phê phán các biểu hiện cạnh tranh không lành mạnh.
– Chia sẻ thông điệp với các bạn trong lớp.
Lời giải chi tiết:
– Tiêu đề: Hành vi cạnh tranh không lành mạnh
– Nhân vật:
+ Cô Chi: Chủ cửa hàng tạp hóa.
+ Chị Hương: mẹ của Mai.
+ Hoa: Khách hàng.
+ Anh Hưng: đội trưởng Đội quản lí thị trường.
+ Anh Dũng: nhân viên đội quản lý thị trường.
– Kịch bản:
Cảnh 1. Tại nhà của Mai
– Người dẫn truyện (đọc): Đang chuẩn bị nấu cơm thì chị Hương chợt nhớ ra hồi chiều lúc vội về đi chợ nên chưa mua lọ sữa rửa mặt. Chị Hương đang mải nghĩ nấu cơm trước rồi đi mua hay cắm trước nấu cơm rồi đi mua lọ sữa rửa mặt rồi về cắm cơm sau thì thấy Hoa đã đi học về.
– Chị Hương (giọng vui vẻ): Ôi may quá, Hoa đi học về rồi à con! Mẹ đang nấu cơm dở mà nhớ ra chưa mua lọ sữa rửa mặt, giờ mà chưa mua tối hai mẹ con mình lại không có gì dung, con phi xe đạp điện đi mua hộ mẹ nhé.
– Hoa (nhanh nhẹn đáp): Vâng, được mẹ ạ. Hôm nay con cũng không có bài tập về nhà. Mẹ hay mua ở đâu hả mẹ?
– Chị Hương: Mẹ hay mua ở cửa hàng mỹ phẩm ở phố X ấy con, giờ con cầm tiền đi mua đồ nhé. Con nghe xem họ tư vấn cho con loại gì phù hợp thì lấy sữa rửa mặt ấy nha! Mà mẹ bảo này, giờ mỹ phẩm giả nhiều lắm, con muốn mua đồ gì thì lên cửa hàng đó mua đồ cho đảm bảo chất lượng, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Đây (chị Hương mở ví, lấy tiền đưa cho Hoa), con đi mua đồ đi cẩn thận rồi về ăn cơm nhé. Nay mẹ định nấu món thịt kho tàu con thích ăn nhất đó.
– Hoa: Vâng, đợi con thay đồ xong rồi đi ngay đây. Mẹ cứ yên tâm ạ!
Cảnh 2: Tại cửa hàng tạp hóa nhà cô Chi
– Người dẫn truyện (đọc): Cô Chi đang ngồi nhặt rau trước cửa, thấy Nga đi dựng xe đạp điện, tiến vào.
– Cô Chi (ngừng tay, ngẩng đầu lên hỏi): Hoa đấy à cháu, dạo này đi học suốt cô chẳng gặp, lớn quá sắp lấy chồng đến nơi rồi! Nay muốn mua gì cho cô để nhà cô đắt hàng nào?
– Hoa (vui vẻ đáp lại): Cháu định lên cửa hàng mỹ phẩm trên phố X để sữa rửa mặt, tiện đường ghé qua cửa hàng cô để mua mấy cái bút bi ạ!
– Cô Chi (vội vàng đứng dậy, kéo tay Nga, chỉ vào trong cửa hàng): Ôi dào, lên đấy làm gì cho xa, mà lại còn đắt đỏ ra, vào đây, vào nhà cô mà mua đồ, gi gỉ gì gi cái gì cũng có, giá cả lại phải chăng nữa!
– Hoa (tỏ vẻ ngạc nhiên): Cháu mua sữa rửa mặt hãng ABC. Nhà cô trước giờ cháu thấy toàn bán chủ yếu là đồ dùng sinh hoạt, đồ dung học tập thôi giờ cô bán cả mỹ phẩm ạ?
Cô Chi (vội vàng ngắt lời): Ấy, cái con bé này, suốt ngày chỉ biết học thôi! Trước nhà cô chỉ bán đồ dùng sinh hoạt, đồ dùng học tập giờ nhu cầu của khách hàng ngày càng đa dạng, nên cô cũng phải đa dạng hóa các mặt hàng chứ. Giờ cô có cả kệ hàng mỹ phẩm kia kìa, cũng có hãng ABC luôn đó! Đây, mày vào đây mà xem, cái gì cũng có nhé (kéo Hoa đi vào tham quan cửa hàng).
– Hoa (cười, tỏ vẻ bối rối): Vậy cơ ạ? Rẻ được nhiều không cô, cô tư vấn cho cháu với ạ.
– Cô Chi (cười lớn): Ôi dào ơi, cùng làng cùng xóm không lẽ cô lấy đắt cho mày. Mua ở nhà cô vừa gần vừa tiện đỡ phải lên kia xa xôi mà lại còn giá thành rẻ, mày mua thừa tiền vẫn thoải mái mua ít quà vặt mà ăn phải sướng hơn không?
– Hoa (cầm từng hộp lên ngắm nghía, hỏi lại cô Chi): Ôi, sao các hộp này nhìn nhãn mác không có chữ Việt Nam thế cô? Mẹ cháu dặn phải mua hàng có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, thôi, chắc cháu phải lên trên kia mua thôi. (Hoa định quay đi).
– Cô Chi (vội vàng ngăn lại): Ấy, cái con này, đã nghe bác nói hết chưa mà vội vàng thế. Những mỹ phẩm này là hàng xách tay con dâu cô trước tìm được mối nhập về. Sữa rửa mặt ABC của Pháp đúng không, mua nội địa thì làm sao có nhãn mác tiếng Việt mình được cháu. Mỹ phẩm con dâu cô bán cả trên tiktok, shopee lượt mua hàng mấy chục nghìn đơn, mày cứ lên shopee, tìm trang “Mỹ phẩm nội địa Pháp Mai Mai” là thấy, số lượng người theo dõi đông lắm!
– Hoa (bối rối): Thật à cô, nhưng cháu….
– Cô Chi (Thấy Hoa có vẻ băn khoăn, bà nói tiếp): Cô bảo thế, mày không tin thì thôi, chứ hàng xóm láng giềng, người làng người nước với nhau, cô lừa mày làm cái gì, lời lãi có được là bao mà mang tiếng thì chả bõ. Còn mày thích ra cửa hàng trên kia thì tùy mày. Nhưng bác nói thật nhé, nó chỉ có cái mác cho oai thôi, vừa rồi, trên tivi chả có doanh nghiệp nào đấy nhập mỹ phẩm về xong trộn hàng đầy mỹ phẩm giả. Cháu ạ, thời buổi bây giờ “khuất mắt trông coi”, chả biết thế nào được đâu. Giá trong cửa hàng đó thì bán đắt, mà chất lượng có khi còn thua hàng chợ, vì họ phải gánh chi phí mặt bằng cao, chi phí vận hành hệ thống, nhận viên nọ kia… Mua mỹ phẩm mà mua phải hàng giả về không chừng tiền mất tật mang đó cháu.
– Hoa (gật đầu): Cô nói cũng hợp lí, cháu thấy giá hàng hóa trong các cửa hàng lớn bao giờ cũng cao hơn ở ngoài một chút.
– Cô Chi (vẻ mặt quả quyết): Chứ còn gì nữa, cô bán hàng tạp hóa ở cái phố này bao nhiêu năm nay rồi, hàng hóa đều có nguồn gốc rõ ràng, uy tín bao nhiêu năm nay rồi. Còn cái cửa hàng kia mới mở ở phường mình được có nửa năm, khách hàng vào thì cũng lèo tèo lắm, giá thì cao; hàng của họ tuy mẫu mã đẹp, nhãn hiệu nọ kia quảng cáo trên tivi đấy, nhưng mà biết thế nào được. Biết đâu cũng kiểu nhập nhèm, mua hàng trôi nổi về rồi gắn mác xịn vào rồi bán để lừa người dân. (Cô Chi kéo Hoa lại gần, nói nhỏ): Gặp mày đây, chỗ tin tưởng cô mới nói chứ không có nói ở đâu mà mang tiếng: hôm vừa rồi, cô đi tập thể dục lúc sáng sớm, ngang qua chỗ cửa hàng đó, thấy mấy cái xe tải nó chở hàng đến, eo ơi, hàng hóa thì quăng quật xuống đất, để trong những cái bọc ni-lông đen mà thái độ nhân viên kiểu lén lút, khả nghi lắm,… Gớm nữa, bán hàng chất lượng tốt thì cứ ban ngày ban mặt mà chở hàng đến, cần gì phải lén lút sớm hôm thế, chắc là nó bán hàng giả nên sợ bị phát hiện đấy cháu ạ…
– Người dẫn truyện (đọc): Hoa đang tần ngần, trên tay cầm hộp sữa rửa mặt thì thấy có 3 – 4 người cùng bước vào cửa hàng. Cô Chi vội vàng chạy ra, nhóm người đó mặc đồng phục, một người trong số họ đưa thẻ ra và giới thiệu:
– Anh Hưng: Chào cô Chi! Xin giới thiệu với cô, tôi là Nguyễn Quang Hưng – Trưởng Đoàn công tác thuộc Đội Quản lý thị trường số 3. Hôm nay, Đoàn công tác chúng tôi tiến hành kiểm tra đột xuất cửa hàng tạp hóa của cô. Rất mong được cô hợp tác.
– Cô Chi: Vâng, chào các cán bộ. Mời các anh vào nhà xơi nước đã.
– Anh Hưng: Cảm ơn cô! Chúng tôi sẽ kiểm tra luôn nên đề nghị bác chuẩn bị các giấy tờ liên quan đến việc nhập hàng hóa.
– Người dẫn truyện (đọc): Anh Hưng và các đồng nghiệp kiểm tra các sản phẩm, hàng hóa trong cửa hàng, phát hiện nhiều bánh kẹo đã quá hạn sử dụng ghi trên bao bì, nhiều mỹ phẩm sản xuất ở nước ngoài không dán tem phụ.
– Anh Hưng: Đề nghị bác xuất trình hóa đơn, chứng từ cho những lô hàng sản xuất ở nước ngoài mà không có tem phụ.
– Cô Chi (ấp úng): Dạ…thì… cái này anh chờ tôi tìm lại.
– Người dẫn truyện (đọc): Cô Chi quay vào trong tìm hóa đơn, chứng từ, nhưng thực ra là chuẩn bị mấy chiếc phong bì định “bồi dưỡng” đoàn kiểm tra. Một lát sau:
– Cô Chi: Báo cáo cán bộ, hóa đơn, chứng từ tôi để lẫn ở đâu đấy, đợi tôi tìm lại sẽ nộp bổ sung ngay, cán bộ thông cảm! Thôi thì các anh bỏ quá cho, gửi các anh chút quà…gọi là uống nước thôi… Công việc của các anh vất vả quá…!
– Anh Hưng: Cô Chi, bác cất ngay phong bì đi. Bác đừng làm thế. Chúng tôi sẽ lập biên bản về hành vi đưa hối lộ đấy. Cô cứ tìm kỹ không thì hỏi người nhà xem có để lẫn hóa đơn, chứng từ ở đâu. Nếu cô không xuất trình đầy đủ hóa đơn, chứng từ hợp lệ thì dù không muốn, chúng tôi vẫn phải tiến hành lập biên bản của buổi kiểm tra hôm nay đấy. Đồng chí Dũng chuẩn bị biên bản đi.
– Cô Chi: Ôi cán bộ ơi, cửa hàng tạp hóa nhà tôi chỉ buôn bán nhỏ lẻ, phục vụ bà con trong phố này thôi. Anh xem, hàng hóa cũng có đáng giá bao nhiêu đâu. Tôi nghĩ các anh chỉ nên xử phạt những cơ sở sản xuất lớn thôi chứ.
– Anh Hưng: Cô hiểu như vậy là chưa đúng rồi. Hành vi sản xuất, kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, nhất là loại hàng hóa có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người thì không kể là cơ sở lớn hay nhỏ, nếu vi phạm thì đều bị xử phạt.
– Anh Dũng (nói với anh Hưng): Báo cáo anh, theo thống kê thì số lượng hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ cộng với hàng hết hạn sử dụng ước tính giá trị khoảng 25 triệu đồng. Ngoài lô hàng này, chúng em còn phát hiện một mỹ phẩm giống handmade, cũng không có nhãn mác, với số mỹ phẩm này, hiện chưa biết đó là loại gì+, giá trị là bao nhiêu và cũng không có ghi hạn sử dụng ạ!
– Anh Hưng (quay sang nói với cô Chi): Cô Chi ạ, theo quy định tại khoản 6 Điều 17 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP của Chính phủ, hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ có số lượng hàng hóa vi phạm có giá trị từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng thì sẽ bị phạt tiền từ 7 triệu đồng đến 10 triệu đồng. Căn cứ thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính quy định tại khoản 2 Điều 82 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP, tôi là Đội trưởng Đội quản lý thị trường số 3 quyết định xử phạt hành vi này của cô 8 triệu đồng. Bây giờ chúng tôi sẽ lập biên bản, mời cô ký và ra Kho bạc Nhà nước nộp tiền phạt. Đồng thời, số lượng hàng hóa hết hạn sử dụng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ này, chúng tôi sẽ bị tịch thu để tiêu hủy theo quy định tại điểm a khoản 14 Điều 17 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP.
– Cô Chi (khẩn khoản, nài nỉ): Xin các anh bỏ qua cho tôi lần này, tôi hứa sẽ không vi phạm nữa.
– Anh Hưng (Giọng quả quyết): Chúng tôi cũng mong cô không vi phạm thêm lần nào nữa. Qua đây là bài học kinh nghiệm không chỉ cho riêng cô mà còn đối với nhiều người kinh doanh khác. Trong kinh doanh cũng cần có chữ “tâm” cô ạ. Còn lần vi phạm này chúng tôi vẫn phải lập biên bản vi phạm hành chính và xử phạt theo đúng quy định của pháp luật vì hành vi này làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của con người.
– Người dẫn truyện (đọc): Hoa chứng kiến toàn bộ sự việc, vội bỏ hộp sữa rửa mặt ABC trên tay xuống và rảo bước ra ngoài, hướng về phía cửa hàng mỹ phẩm trên phố X để mua đồ, lòng Hoa thầm nghĩ: cô Chi buôn bán hàng không đảm bảo chất lượng là một hành vi gian dối trong kinh doanh, mặt khác, những thông tin cô nói về cửa hàng mỹ phẩm X cũng chưa được kiểm chứng. Hoa chợt thấy mình may mắn khi phát hiện hàng hóa không có nhãn mác, không rõ nguồn gốc, xuất xứ đã kịp thời dừng lại, tránh cho bản thân và mẹ dùng phải mỹ phẩm “fake”.
Thông điệp, bài học rút ra:
Trên thực tế, việc cạnh tranh lành mạnh trên thị trường là cần thiết, nó giúp khách hàng có nhiều sự lựa chọn hơn về sản phẩm và giá cả, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp cải tiến và nâng cao chất lượng sản phẩm của mình để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Tuy nhiên, khi các doanh nghiệp cạnh tranh với nhau, họ cần tuân thủ các quy định và đạo đức trong kinh doanh, đảm bảo rằng họ không sử dụng những hành vi không đúng đắn để cạnh tranh và đạt được lợi ích cá nhân. Hành vi cạnh tranh không lành mạnh như phỉ báng, giả mạo sản phẩm, hoặc hạ giá quá đáng có thể gây ra những hậu quả không mong muốn và ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp.
Vì vậy, để thúc đẩy sự cạnh tranh lành mạnh trên thị trường, phê phán hành vi cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường là một nhiệm vụ cần thiết của tất cả chúng ta. Chúng ta cần đảm bảo rằng mọi người tuân thủ các quy định và đạo đức trong kinh doanh, đồng thời tôn trọng quyền lợi của nhau và xây dựng một thị trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng và công bằng.