Đề bài
Câu 1: (2.0 điểm)
Đọc đoạn văn sau và trả lời các câu hỏi:
“… Đọc sách vốn có ích riêng cho mình, đọc nhiều không thể coi là vinh dự, đọc ít cũng không phải là xấu hổ. Đọc ít mà đọc kĩ, thì sẽ tập thành nếp suy nghĩ sâu xa, trầm ngâm tích lũy, tưởng tượng tự do đến mức thay đổi khí chất; đọc nhiều mà không chịu nghĩ sâu, như cưỡi ngựa qua chợ, tuy châu báu phơi đầy, chỉ tổ làm cho mắt hoa ý loạn, tay không mà về. Thế gian có biết bao người đọc sách chỉ để trang trí bộ mặt, như kẻ trọc phú khoe của chỉ biết lấy nhiều làm quý. Đối với việc học tập, cách đó chỉ là lừa mình dối người, đối với việc làm người thì cách đó thể hiện phẩm chất tầm thường, thấp kém” (…)
(Ngữ văn 9, tập 2, NXBGDVN, 2015)
a. Đoạn văn trên được trích từ tác phẩm nào? Cho biết tên tác giả?
b. Nêu nội dung chính của đoạn văn
c. Chỉ ra biện pháp nghệ thuật so sánh được sử dụng trong đoạn văn trên. Với cách so sánh đó, tác giả muốn phê phán điều gì?
d. Em hãy nêu 3 lợi ích của việc đọc sách để làm rõ ý: “Đọc sách vốn có ích riêng cho mình”
Câu 2: (1.0 điểm)
Chỉ ra các từ ngữ thực hiện phép liên kết câu trong đoạn văn sau và cho biết tên gọi của các phép liên kết ấy:
“Văn nghệ nối sợi dây đồng cảm kì diệu giữa nghệ sĩ với bạn đọc thông qua những rung động mãnh liệt, sâu xa của trái tim. Văn nghệ giúp cho con người được sống phong phú hơn và tự hoàn thiện nhân cách, tâm hồn mình. Nguyễn Đình thi đã phân tích, khẳng định những điều ấy qua bài tiểu luận Tiếng nói của văn nghệ với cách viết vừa chặt chẽ, vừa giàu hình ảnh và cảm xúc”
(Ngữ văn 9, tập 2, NXB Giáo dục)
Câu 3: (2.0 điểm)
“Con người sinh ra không phải để tan biến như hạt cát vô danh. Họ sinh ra để lưu lại dấu ấn trên mặt đất, trong trái tim người khác.” (V.Xukhomlinxki)
Việc thể hiện bản thân là một nhu cầu của lứa tuổi học sinh. Vấn đề đặt ra cho mỗi chúng ta: Thể hiện bản thân như thế nào là đúng đắn? Hãy viết một đoạn văn nghị luận xã hội (khoảng 10 – 15 dòng) trình bày suy nghĩ của em về cách thể hiện bản thân trong môi trường học đường.
Câu 4: (5.0 điểm)
Phân tích bài thơ sau để làm rõ sự cảm nhận tinh tế của nhà thơ trước biến chuyển của đất trời lúc sang thu.
Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se
Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về
Sông được lúc dềnh dàng
Chim bắt đầu vội vã
Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu.
Vẫn còn bao nhiêu nắng
Đã vơi dần cơn mưa
Sấm cũng bớt bất ngờ.
Trên hàng cây đứng tuổi.
(Sang thu – Hữu Thỉnh – Ngữ văn 9, tập 2, NXB Giáo dục 2006)
Lời giải chi tiết
Câu 1
Đọc đoạn văn sau và trả lời các câu hỏi:
“… Đọc sách vốn có ích riêng cho mình, đọc nhiều không thể coi là vinh dự, đọc ít cũng không phải là xấu hổ. Đọc ít mà đọc kĩ, thì sẽ tập thành nếp suy nghĩ sâu xa, trầm ngâm tích lũy, tưởng tượng tự do đến mức thay đổi khí chất; đọc nhiều mà không chịu nghĩ sâu, như cưỡi ngựa qua chợ, tuy châu báu phơi đầy, chỉ tổ làm cho mắt hoa ý loạn, tay không mà về. Thế gian có biết bao người đọc sách chỉ để trang trí bộ mặt, như kẻ trọc phú khoe của chỉ biết lấy nhiều làm quý. Đối với việc học tập, cách đó chỉ là lừa mình dối người, đối với việc làm người thì cách đó thể hiện phẩm chất tầm thường, thấp kém” (…)
(Ngữ văn 9, tập 2, NXBGDVN, 2015)
a. Đoạn văn trên được trích từ tác phẩm nào? Cho biết tên tác giả?
b. Nêu nội dung chính của đoạn văn
c. Chỉ ra biện pháp nghệ thuật so sánh được sử dụng trong đoạn văn trên. Với cách so sánh đó, tác giả muốn phê phán điều gì?
d. Em hãy nêu 3 lợi ích của việc đọc sách để làm rõ ý: “Đọc sách vốn có ích riêng cho mình”
|
a.
Phương pháp: căn cứ bài Bàn về đọc sách
Cách giải:
– Tác phẩm: Bàn về đọc sách
– Tác giả: Chu Quang Tiềm
b.
Phương pháp: căn cứ đoạn trích
Cách giải:
– Nội dung: Phương pháp đọc sách
c.
Phương pháp: căn cứ đoạn trích, phân tích
Cách giải:
– Biện pháp so sánh: đọc nhiều mà không chịu suy nghĩ sâu như cưỡi ngựa qua chợ…
– Phê phán: lối đọc qua quýt, không đọc sâu đọc kĩ nên kiến thức chỉ mơ màng, không đọng lại gì ở trong đầu.
d.
Phương pháp: phân tích
Cách giải:
Lợi ích việc đọc sách:
– Tiếp thu tri thức của nhân loại.
– Làm cho tâm hồn thư thái, dễ chịu.
– Đọc sách còn là cách hoàn thiện nhân cách, đạo đức của con người.
Câu 2
Chỉ ra các từ ngữ thực hiện phép liên kết câu trong đoạn văn sau và cho biết tên gọi của các phép liên kết ấy:
“Văn nghệ nối sợi dây đồng cảm kì diệu giữa nghệ sĩ với bạn đọc thông qua những rung động mãnh liệt, sâu xa của trái tim. Văn nghệ giúp cho con người được sống phong phú hơn và tự hoàn thiện nhân cách, tâm hồn mình. Nguyễn Đình thi đã phân tích, khẳng định những điều ấy qua bài tiểu luận Tiếng nói của văn nghệ với cách viết vừa chặt chẽ, vừa giàu hình ảnh và cảm xúc”
(Ngữ văn 9, tập 2, NXB Giáo dục)
|
Phương pháp: căn cứ Liên kết câu và liên kết đoạn văn
Cách giải:
– Phép lặp: văn nghệ (câu 1, câu 2)
– Phép thế: “những điều ấy” thay thế cho “Văn nghệ nối sợi dây đồng cảm kì diệu giữa nghệ sĩ với bạn đọc thông qua những rung động mãnh liệt, sâu xa của trái tim. Văn nghệ giúp con người được sống phong phú hơn và tự hoàn thiện nhân cách, tâm hồn mình” (câu 3, câu 4)
Câu 3
“Con người sinh ra không phải để tan biến như hạt cát vô danh. Họ sinh ra để lưu lại dấu ấn trên mặt đất, trong trái tim người khác.” (V.Xukhomlinxki)
Việc thể hiện bản thân là một nhu cầu của lứa tuổi học sinh. Vấn đề đặt ra cho mỗi chúng ta: Thể hiện bản thân như thế nào là đúng đắn? Hãy viết một đoạn văn nghị luận xã hội (khoảng 10 – 15 dòng) trình bày suy nghĩ của em về cách thể hiện bản thân trong môi trường học đường.
|
Phương pháp: phân tích, tổng hợp
Cách giải:
HS viết đoạn văn thỏa mãn yêu cầu của đề (khoảng 10 – 15 dòng), có thể trình bày ý kiến cá nhân nhưng cần phù hợp với những chuẩn mực đạo đức, pháp luật
Đảm bảo những nội dung sau:
1. Giới thiệu vấn đề
2. Giải thích vấn đề
– Thể hiện bản thân là một chuỗi hành động do con người tạo ra hay học hỏi của một ai đó nhằm khẳng định và cho thấy những đặc điểm nổi bật của bản thân mình, gây ấn tượng mạnh đối với mọi người xung quanh.
– Nhu cầu thể hiện bản thân trong lứa tuổi học sinh là một nhu cầu phổ biến bởi đây là độ tuổi nhạy cảm, đang học làm người lớn và luôn muốn được công nhận.
3. Bàn luận vấn đề
– Cách thể hiện bản thân của lứa tuổi học sinh: Lứa tuổi học sinh có nhiều cách thể hiện bản thân mình:
+ Có bạn thể hiện bản thân bằng cách dùng những đồ “hàng hiệu” đắt tiền
+ Có bạn thể hiện bản thân bằng cách khiến người khác phải “sợ” những hành động của mình
+ Có bạn thể hiện mình bằng cách phấn đấu học tập, gặt hái những điểm số cao
– Nhưng hiện nay nhiều bạn trẻ phô diễn bản thân một cách phô trương, thái quá không còn mang tính tích cực mà mang tính tiêu cực nhiều hơn. Như phô diễn bản thân bằng những clip, video lố lăng, những phát ngôn gây phẫn nộ, những hành động thiếu văn minh,… Đây không phải là cách phô diễn khẳng định giá trị của bản thân mà là hành động lố bịch, đáng lên án.
– Cách thể hiện bản thân đúng đắn:
+ Các bạn chưa phân biệt được thế nào là những giá trị thực và những giá trị ảo.
+ Cần phải thể hiện bản thân mình bằng những giá trị thật do mình xây dựng như năng lực trí tuệ và phẩm chất đạo đức.
– Việc thể hiện cá tính riêng là điều cần thiết nhưng cần phù hợp với chuẩn mực đạo đức, xã hội,…
4. Liên hệ bản thân
Câu 4
Phân tích bài thơ sau để làm rõ sự cảm nhận tinh tế của nhà thơ trước biến chuyển của đất trời lúc sang thu.
Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se
Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về
Sông được lúc dềnh dàng
Chim bắt đầu vội vã
Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu.
Vẫn còn bao nhiêu nắng
Đã vơi dần cơn mưa
Sấm cũng bớt bất ngờ.
Trên hàng cây đứng tuổi.
|
Phương pháp: phân tích, tổng hợp
Cách giải:
* Yêu cầu về kĩ năng:
– Viết đúng kiểu bài nghị luận văn học.
– Lý lẽ rõ ràng, dẫn chứng xác thực.
– Văn viết giàu cảm xúc, diễn đạt trôi chảy.
– Bố cục ba phần rõ ràng, cân đối.
– Trình bày sạch đẹp; ít sai lỗi câu, từ, chính tả.
1. Giới thiệu chung
Tác giả
– Tên thật là Nguyễn Hữu Thỉnh, sinh năm 1942, quê ở huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc. Ông là nhà thơ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mĩ.
– Năm 1963, Hữu Thỉnh nhập ngũ, vào binh chủng Tăng Thiết Giáp rồi trở thành cán bộ văn hóa tuyên huấn trong quân đội và bắt đầu sáng tác thơ. Ông tham gia Ban chấp hành Hội nhà văn VN các khóa III, IV, V, từ năm 2000 Hữu Thỉnh là Tổng thư kí Hội nhà văn Việt Nam.
– Phong cách: Thơ ông giản dị mà tinh tế, nhẹ nhàng nhưng giàu cảm xúc, thiên về cảm nhận vẻ đẹp tự nhiên, thanh bình của thiên nhiên đất nước và cuộc sống.
Tác phẩm
Gần cuối năm 1977, thời kì đất nước vừa hòa bình, thống nhất. Bài thơ được in lần đầu trên báo Văn Nghệ, sau đó được in trong tập “Từ chiến hào đến thành phố” xuất bản năm 1991.
2. Cảm nhận
2.1. Cảm nhận mùa thu trong không gian gần và hẹp
– Cảm giác bất chợt đến với nhà thơ, chỉ với một từ “bỗng” mở đầu bài thơ đã khiến ta cảm nhận thu đến thật bất ngờ, đột ngột, không hẹn trước.
– Tín hiệu đầu tiên để tác giả nhận ra mùa thu thật độc đáo: không phải từ bầu trời xanh, từ hương cốm mới hay lá vàng rơi mà từ hương ổi thứ hương thơm dân dã, muộc mạc, đặc trưng của các làng quê Bắc Bộ lúc cuối hạ đầu thu.
– Trong “gió se” gió thu se lạnh hơi khô, thứ hương thơm ấy càng như sánh lại, luồn vào trong gió. Cách sử dụng động từ mạnh “phả” chứ không phải lan, tỏa, bay trong gió, được gió đưa đi, đánh thức cả một không gian làng quê yên bình.
– Cùng với hương ổi, gió se, tín hiệu sang thu còn là sương thu lãng đãng: “sương chùng chình qua ngõ”. Những hạt sương thu ươn ướt mềm mại giăng màn qua ngõ. Mùa thu lại về, mùa thu mang theo hương quê và sương mờ ướt lạnh. Sương được nhân hóa qua từ láy “chùng chình” đầy tâm trạng, chùng chình như chờ đợi điều gì đây? “Chùng chình” còn gợi màn sương li ti giăng mắc nơi đường thôn ngõ xóm. Phép nhân hóa còn khiến ta cảm nhận màn sương như dùng dằng, như cố ý chậm lại, nửa sang thu nửa còn như luyến tiếc mùa hạ. “Ngõ” ở đây vừa là ngõ thực, vừa có thể là cửa ngõ sang mùa.
– Ta thấy tác giả đã huy động mọi giác quan (khứu giác, xúc giác, thị giác) để cảm nhận những tín hiệu báo thu sang nhưng nó rất mơ hồ, mờ ảo, nhẹ nhàng nên nhà thơ vẫn băn khoăn tự hỏi: “Hình như thu đã về?”. Tình thái từ “hình như” với câu hỏi tu từ khiến ta cảm nhận tâm trạng hoài nghi, cái giật mình bối rối của nhà thơ.
=> Khổ 1 bài thơ “Sang thu” của Hữu Thỉnh đã diễn tả cảm xúc ngỡ ngàng, bâng khuâng của tác giả khi đón nhận sứ giả đầu tiên của mùa thu.
2.2. Cảm nhận mùa thu trong không gian dài, cao và rộng.
– Cái bỡ ngỡ ban đầu tan biến đi nhường chỗ cho sự rung cảm mãnh liệt trước mùa thu. Nếu như ở khổ 1, bài Sang thu của Hữu Thỉnh, tín hiệu thu sang mới chỉ là những gì vô hình, mờ ảo thì sang khổ 2, những dấu hiệu của mùa thu đã rõ nét và hữu hình hơn.
– Bức tranh Sang thu được Hữu Thỉnh miêu tả ở tầm nhìn cao hơn, xa rộng hơn đó là không gian bầu trời, dòng sông.
– 2 câu thơ đầu có cấu trúc đối, nhịp nhàng với những động thái trái ngược nhau nhưng rất đặc trưng cho mùa thu: “Sông được lúc dềnh dàng/ Chim bắt đầu vội vã”, thiên nhiên được nhân hóa vừa có hồn, vừa có tình.
+ Dòng sông lúc sang thu không còn cuồn cuộn, gấp gáp như trong những ngày hè mưa lũ mà dềnh dàng thong thả, lững lờ trôi như còn ngẫm ngợi, suy tư.
+ Đối lập với dòng sông ấy là cánh chim, những cánh chim bắt đầu vội vã, chuẩn bị cho chuyến di trú tránh rét hay cũng có thể nó vội vã về tổ lúc chiều hôm chứ không còn nhởn nhơ, rong chơi như những ngày hè.
=> Phải tinh tế lắm, Hữu Thỉnh mới nhận ra được cái “được lúc” của dòng sông và cái “bắt đầu” của cánh chim. Ý thơ thấp thoáng cảm xúc của lòng người sang thu.
– Hai câu thơ sau mới là bức tranh tuyệt đẹp về mùa thu, một sáng tạo của tác giả.
“Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu”
+ Thu đang ở nơi cửa ngõ của mùa vì thế đám mây mùa hạ mới chỉ vắt nửa mình. Cách sử dụng từ “mình” khiến câu thơ thêm ý vị, nhẹ nhàng, duyên dáng. Đám mây như một dải lụa bồng bềnh vắt nửa mình sang trời thu. Đây có thể xem là hình ảnh liên tưởng sáng tạo, độc đáo nhất trong bài thơ
+ Thật sáng tạo khi Hữu Thỉnh dùng một hình ảnh của không gian để diễn tả sự vận động của thời gian. Mây là thực, còn gianh giới mùa là ảo. Cách diễn đạt này khiến bầu trời như nhuộm nửa sắc thu để đến một lúc nào đó nó sẽ là bầu trời thu
=> Khổ 2, hạ đã nhạt dần, thu đậm nét hơn, phép nhân hóa khiến cảnh vật và lòng người đang bước vào mùa thu và dường như còn quyến luyến mùa hạ.
2.3. Những suy tưởng của nhà thơ về mùa thu của thiên nhiên, mùa thu của đời người.
– Thu đã hiện ra rõ nét hơn và nhà thơ đã cảm nhận bằng cả chiều sâu kinh nghiệm, bằng những suy tư sâu lắng chứ không chỉ là những giác quan như khổ 1
– Vẫn là nắng, mưa, sấm chợp như mùa hạ nhưng khi kết hợp với các phó từ đã, vẫn, cũng thì mức độ đã khác, nó lắng dần, chừng mực và ổn định hơn.
+ Nắng cuối hạ vẫn còn nồng nhưng đã bớt oi ả, gay gắt
+ Đã vơi ần những cơn mưa rào ào ạt, bất ngờ của mùa hạ
+ Những tiếng sấm cuối hạ cũng thưa và nhỏ dần
=> Hạ nhạt dần, thu đậm nét hơn
– 2 câu thơ cuối vừa mang nghĩa tả thực, vừa mang nghĩa ẩn dụ sâu xa. Đúng như lời Hữu Thỉnh tự bạch: “Có thể hiểu hàng cây đã lớn, đã trải qua bao mùa thay lá, sẽ vững vàng hơn trước những tiếng sấm bất ngờ. Đồng thời, phép nhân hóa và hình ảnh ẩn dụ … thấy, sấm là những vang động bất thường gợi đến những khó khăn của cuộc đời. Hàng cây đứng tuổi chỉ như người từng trải, họ sẽ vững vàng hơn trước những tác động, những sóng gió của cuộc đời. Đến đây, ta nhận ra không chỉ có thiên nhiên sang thu mà còn có cả sự sang thu của đời người. Nhìn lại cả bài thơ, ta càng thấm thía vì sao lại có sự chùng chình, bịn rịn lúc sang thu, vì sao lại vừa dềnh dàng mà lại vừa vội vã. Con người lúc sang mùa thu của đời mình không còn bồng bột, xốc nổi như lúc còn thanh xuân mà sâu sắc, chín chắn, điềm đạm hơn. Sang thu, ta lại càng lưu luyến, bịn rịn khi chợt nhận ra mái tóc đã pha sương và ta càng khẩn trương, vội vã để sống có ích cho đời.
=> Như vậy sang đến khết thúc bài thơ sang thu của Hữu Thỉnh, cả thiên nhiên và ông đều hòa một nhịp với thu sang.
3. Tổng kết