17. Đất nước – Nguyễn Khoa Điềm

Đất nước – Nguyễn Khoa Điềm bao gồm tóm tắt nội dung chính, lập dàn ý phân tích, bố cục, giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật cùng hoàn cảnh sáng tác, ra đời của tác phẩm và tiểu sử, quan điểm cùng sự nghiệp sáng tác phong cách nghệ thuật giúp các em học tốt môn văn 12

Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

I. Tác giả

1. Tiểu sử 

– Nguyễn Khoa Điềm sinh ngày 15 tháng 4 năm 1943, tại thôn Ưu Điềm, xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế;

– Quê quán: làng An Cựu, xã Thủy An, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên – Huế.

– Sinh ra trong một gia đình trí thức, giàu truyền thống yêu nước và tinh thần cách mạng.

– Học tập và trưởng thành ở miền Bắc, tham gia chiến đấu và học tập ở miền Nam.  

2. Sự nghiệp văn học

a. Phong cách văn học

– Thơ ông giàu chất suy tư, xúc cảm dồn nén

– Mang màu sắc trữ tình chính luận.

b. Tác phẩm chính

– Đất ngoại ô (thơ, 1973);

– Cửa thép (ký, 1972);

– Mặt đường khát vọng (trường ca, 1974);

– Ngôi nhà có ngọn lửa ấm (thơ, 1986);

– Thơ Nguyễn Khoa Điềm (thơ, 1990);

Sơ đồ tư duy – Tác giả Nguyễn Khoa Điềm

II. Tác phẩm

1. Tìm hiểu chung

a. Xuất xứ – Hoàn cảnh ra đời

– Trường ca Mặt đường khát vọng hoàn thành ở chiến khu Trị – Thiên năm 1971, in lần đầu năm 1974.

– Tác phẩm viết về sự thức tỉnh của tuổi trẻ đô thị vùng tạm chiếm miền Nam về non sông đất nước, về sứ mệnh thế hệ mình với quê hương đất nước.

b. Vị trí đoạn trích

– Đoạn trích Đất Nước: nằm ở phần đầu chương V của trường ca Mặt đường khát vọng là một trong những đoạn thơ hay về đề tài đất Nước trong thơ Việt Nam hiện đại.

c. Bố cục: 2 phần

– Phần 1: Từ đầu đến “Làm nên Đất Nước muôn đời”: Cách cảm nhận độc đáo về quá trình hình thành, phát triển của đất nước; từ đó khơi dậy ý thức về trách nhiệm thiêng liêng với nhân dân, đất nước.

– Phần 2: Còn lại: Tư tưởng đất Nước của nhân dân.

2. Tìm hiểu chi tiết

a. Phần 1: Cảm nhận về đất nước:

a1. Đất nước được cảm nhận ở nhiều phương diện:

* Phương diện lịch sử, văn hoá dân tộc: Đất nước có từ bao giờ?

– Đất nước gắn liền với:

+ Văn hoá lâu đời của dân tộc: truyện cổ tích, phong tục.

+ Cuộc trường chinh không nghỉ ngơi: chống ngoại xâm, cuộc sống lao động vất vả.

→ Đất nước được hình thành và phát triển theo quá trình sống của mỗi con người, rất bình dị, thân thuộc và gần gũi.

→ Nghệ thuật: Giọng thơ nhẹ nhàng, âm hưởng đầy quyến rũ đã đưa ta về với cội nguồn của đất nước: Một đất nước vừa cụ thể vừa huyền ảo đã có từ rất lâu đời.

 Phương diện không gian địa lý và thời gian lịch sử: Đất nước là gì?

– Phương diện không gian:

Chiết tự: Đất/ nước (mới mẻ, độc đáo, mang tính cá thể, hết sức táo bạo).

+ Không gian gần gũi với con người: nơi sinh hoạt của mỗi người, không gian tuyệt diệu của tình yêu và nỗi nhớ đầy thơ mộng với bao kỉ niệm ngọt ngào.

+ Đất nước cũng chính là không gian sinh tồn của cộng đồng dân tộc qua bao thế hệ: Từ quá khứ (Những ai đã khuất), hiện tại (Những ai bây giờ), đến các thế hệ tương lai (Dặn dò con cháu chuyện mai sau). Tất cả đều không quên nguồn cội: “Hằng năm ăn đâu làm đâu. Cũng biết cúi đầu nhớ ngày giỗ Tổ”.

→ Nguyễn Khoa Điềm nhìn đất nước ở cự ly gần và ông đã phát hiện ra một đất nước hết sức thân quen, một đất nước dễ thương đối với mỗi cá nhân con người.

→ Đất nước hiện lên thiêng liêng những vẫn gần gũi, gắn bó với mỗi con người. Là sự thống nhất giữa cá nhân với cộng đồng.

– Phương diện thời gian:

+ Đất Nước được cảm nhận suốt chiều dài thời gian lịch sử từ quá khứ đến hiện tại và tương lai: Đó là một đất nước thiêng liêng, hào hùng trong quá khứ (gắn liền với huyền thoại Lạc Long Quân và Âu Cơ, truyền thuyết về các vua Hùng dựng nước), giản dị, gần gũi trong hiện tại (Trong anh và em…) và triển vọng sáng tươi trong tương lai (Mai này con ta…).

→ Với một cảm nhận như vậy về đất nước, không có gì khó hiểu khi Nguyễn Khoa Điềm nhìn thấy một phần Đất Nước trong mỗi chúng ta hiện tại. Đất nước không tồn tại ở đâu xa xôi mà kết tinh, hóa thân ngay trong cuộc sống của mỗi con người.

a2. Trách nhiệm của thế hệ mình với đất nước:

+ Đất nước kết tinh trong sự sống, trong máu thịt của mỗi cá nhân.

+ Tình yêu lứa đôi thống nhất, hài hoà với tình yêu đất nước.

+ Sự phát triển từ cá nhân, tình yêu lứa đôi đến tình yêu đồng loại + kết hợp với hình ảnh “Đất nước vẹn tròn to lớn” → gợi tả tình đoàn kết dân tộc (làm nên sức mạnh Việt Nam).

– Trách nhiệm của thế hệ mình:

+ Đất nước “máu xương” của mỗi con người – là những giá trị vật chất và tinh thần mà mỗi người được thừa hưởng.

+ Trách nhiệm của mỗi người: phải biết san sẻ, hoá thân.

→ Xây dựng và bảo vệ đất nước muôn đời (nghĩa vụ).

+ Nghệ thuật:

> Điệp ngữ “phải biết” → giọng thơ chính luận.

> Âm điệu “em ơi em” → trữ tình thiết tha.

> Dùng từ hoá thân”(#hi sinh): hiến dâng, hoà nhập, sống còn vì đất nước → sâu sắc, giàu ý nghĩa.

> Lời thơ giản dị nhưng mang ý nghĩa sâu xa.

→ Ý thơ mang tính chất tâm sự nhiều hơn là kêu gọi, giáo huấn nên sức truyền cảm rất mạnh.

b. Phần 2: Tư tưởng Đất Nước của Nhân dân

* Không gian địa lý

        Những người vợ nhớ chồng …

         …

Bà Đen, Bà Điểm

– Dưới cái nhìn của Nguyễn Khoa Điềm, thiên nhiên địa lý của Đất Nước không chỉ là sản phẩm của tạo hoá mà còn được hình thành từ cuộc đời và số phận của nhân dân, từ: người vợ nhớ chồng, cặp vợ chồng yêu nhau, người học trò nghèo, đến những người dân vô danh được gọi bằng những cái tên mộc mạc như Ông Đốc, Ông Trang, Bà Đen, Bà Điểm.

– Từ đó, tác giả đi đến một kết luận mang tính khái quát:

              Và ở đâu trên khắp ruộng đồng gò bãi

            …

           Những cuộc đời đã hoá núi sông ta.

→ Theo tác giả: những thắng cảnh đẹp, những địa danh nổi tiếng khắp mọi miền của đất nước đều do nhân dân tạo ra, đều kết tinh của bao công sức và khát vọng của nhân dân, của những con người bình thường, vô danh.

* Thời gian lịch sử

– Chính nhân dân, những con người bình dị, vô danh đã Làm nên Đất Nước muôn đời”. Và vì vậy, khi cảm nhận Đất Nước bốn ngàn năm lịch sử, nhà thơ không nói đến các triều đại, các anh hùng mà nhấn mạnh đến những con người vô danh, bình dị:

           Có biết bao người con gái con trai

          …

Nhưng họ làm ra đất nước

→ Chọn nhân dân không tên tuổi kế tục nhau làm nên đất nước là nét mới mẻ độc đáo của Nguyễn Khoa Điềm.

* Bản sắc văn hoá

– Cũng chính nhân dân là người lưu giữ và bảo tồn bản sắc văn hoá dân tộc.

            Họ giữ và truyền cho ta…

             …

hái trái

– Đại từ “Họ” đặt đầu câu + nhiều động từ “giữ”, “truyền”, “gánh”

→ Vai trò của nhân dân trong việc giữ gìn và lưu truyền văn hoá qua các thế hệ.

– Chính những con người “giản dị và bình tâm”, “không ai nhớ mặt đặt tên” đã gìn giữ và truyền lại cho thế hệ mai sau mọi giá trị tinh thần và vật chất của đất nước từ hạt lúa, ngọn lửa, tiếng nói đến cả tên xã, tên làng trong mỗi chuyến di dân.

– Họ có công trong việc chống ngoại xâm, dẹp nội thù:

           Có ngoại xâm…

             …

vùng lên đánh bại

→ Họ giữ yên bờ cõi và xây dựng cuộc sống hoà bình.

– Điểm hội tụ và cũng là cao điểm của cảm xúc trữ tình trong đoạn thơ là ở câu:

Để Đất Nước này là Đất Nước Nhân dân

+ Khi nói đến Đất Nước của Nhân dân, tác giả mượn văn học dân gian để nhấn mạnh thêm vẻ đẹp của đất nước: “Đất Nước của ca dao thần thoại”

+ Từ nền văn học dân gian, nhà thơ đã khám phá ra những vẻ đẹp tâm hồn và tính cách của dân tộc:

> Họ là những con người yêu say đắm và thuỷ chung: “Dạy anh biết yêu em từ thuở trong nôi”

> Quý trọng nghĩa tình: “Biết quý công cầm vàng những ngày lặn lội”

> Quyết liệt trong chiến đấu với kẻ thù: “Biết trồng tre đợi ngày thành gậy – Đi trả thù mà không sợ dài lâu”

– Kết thúc đoạn thơ là hình ảnh dòng sông với những điệu hò:

                                                Ơi những dòng sông bắt nước từ đâu

                                                Mà khi về Đất Nước mình bắt lên câu hát

  Người đến hát khi chèo đò, kéo thuyền vượt thác

                                                Gợi trăm màu trên trăm dáng sông xuôi

→ Như muốn kéo dài thêm giai điệu ngân nga với nhìều cung bậc của bản trường ca về Đất Nước.

c. Giá trị nội dung

– Đoạn trích thể hiện một cái nhìn mới mẻ về đất nước: Đất nước là sự hội tụ và kết tinh bao công sức và khát vọng của nhân dân. Nhân dân là người làm ra đất nước.

– Đoạn trích nằm trong ý đồ tư tưởng của tác giả: thức tỉnh tinh thần dân tộc.

d. Giá trị nghệ thuật

– Thể thơ tự do phóng túng.

– Giọng thơ suy tưởng: đặt câu hỏi và tự trả lời.

– Sử dụng các chất liệu văn hoá dân gian không phải là thủ pháp nghệ thuật mà là để chi phối tư tưởng “Đất Nước là của Nhân Dân”.

– Giọng thơ trữ tình – chính luận.

Sơ đồ tư duy – Việt Bắc

Nhận định

Một số nhận định về tác giả, tác phẩm

1. Có ý kiến cho rằng: Chất liệu văn hóa dân gian trong đoạn thơ Đất Nước được sử dụng vừa quen thuộc vừa mới lạ.

2. Bàn về đoạn thơ Đất Nước, có ý kiến cho rằng: Trong đoạn thơ Nguyễn Khoa Điềm đã cố gắng thể hiện hình ảnh Đất nước gần gũi, giản dị. Đó là cách để đi vào lòng người, cũng là cách nhà thơ đi con đường riêng của mình không lặp lại người khác.

3. Bàn về Đất Nước trích từ Mặt đường khát vọng của Nguyễn Khoa Điềm, có ý kiến cho rằng: Tư tưởng “Đất Nước của Nhân dân, Đất Nước của ca dao thần thoại” là tư tưởng chủ đạo, chi phối cả nội dung và hình thức chương V của bản trường ca này.

4. Nói về đất nước, Nguyễn Khoa Điềm từng tâm sự: Đất nước với các nhà thơ khác là của những huyền thoại của những anh hùng, nhưng với tôi là của những con người vô danh, của nhân dân.

 Sachgiaihay.com

TẢI APP ĐỂ XEM OFFLINE

Tác giả – Tác phẩm tập 1