Bài văn tả một nhân vật truyện cổ tích mà thích

Tấm là chị, Cám là em. Hai cô là chị em cùng cha khác mẹ. Tấm xinh đẹp nết na, có mái tóc xanh, đôi mắt mở to đen láy.

Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Dàn ý

Mở bài: 

– Giới thiệu về truyện cổ tích mà em đã đọc

– Giới thiệu về nhân vật mà em định tả

Thân bài:

a. Tả ngoại hình

– Dáng người

– Mái tóc

– Đôi mắt

– Nụ cười

– Trang phục

b. Tả tính cách

– Ngoan hiền/lương thiện

– Hèn nhát/dũng cảm

– Cam chịu/đấu tranh

c. Những khó khăn mà nhân vật đã trải qua

– Bị hãm hại

– Thiếu thốn tình cảm

Kết bài:

– Tình cảm của em đối với nhân vật

– Qua nhân vật đó, em rút ra được bài học gì?

Bài siêu ngắn

Chắc hẳn các bạn vẫn còn nhớ câu chuyện Nàng tiên Ốc được học ở lớp Bốn. Nàng tiên hoá thân trong vỏ của con ốc và được một bà lão nông dân mang về nuôi.

   Nàng tiên Ốc mới đẹp làm sao! Dáng người thanh mảnh, bước đi mềm mại, uyển chuyển. Làn da nàng trắng mịn như tuyết. Khuôn mặt trái xoan xinh đẹp, hiền hậu và dịu dàng. Dưới cặp mi cong vút là đôi mắt bồ câu sáng long lanh. Đôi môi hình trái tim lúc nào cũng đỏ mọng. Nàng mặc một bộ váy màu xanh nước biển, có thắt một chiếc đai màu trắng càng tăng thêm vẻ duyên dáng của nàng.

   Hằng ngày, nàng từ trong vỏ ốc chui ra giúp bà lão quét dọn nhà cửa nấu cơm, nhặt cỏ vườn và cho lợn ăn. Động tác của nàng nhanh nhẹn, bước đi của nàng như lướt trên mặt đất. Những công việc nàng làm chẳng mấy chốc là xong. Cơm nàng nấu rất khéo và ngon. Đàn lợn dưới tay nàng chăm sóc lớn nhanh như thổi. Vườn rau tươi ngày càng xanh tốt.

   Mỗi lần đi làm đồng về, bà lão nông dân vô cùng ngạc nhiên không biết ai đã giúp mình. Một lần bà giả vờ ra đồng rồi quay trở về, bà bắt gặp nàng tiên Ốc, bà sững sờ trước sắc đẹp lộng lẫy của nàng, bà vội chạy ngay ra chum nước và đập vỡ vỏ ốc đi. Thấy động, nàng tiên Ốc định chạy lại chum nước nhưng bà lão đã ôm chầm lấy nàng. Từ đó, nàng trở thành người con hiếu thảo, ngoan ngoãn của bà cụ. Hai mẹ con sống hạnh phúc bên nhau.

 

Vui lòng nhập mật khẩu để tiếp tục

test123

Các bài mẫu

Bài tham khảo 1:

–  Bà ơi ! Tấm và Cám như thế nào ? Bà kể đi bà…

–  Tấm là chị, Cám là em. Hai cô là chị em cùng cha khác mẹ. Tấm xinh đẹp nết na, có mái tóc xanh, đôi mắt mở to đen láy. Tấm hay lam hay làm, phúc hậu lắm. Tội nghiệp, thương lắm, Tấm rnồ côi mẹ. Còn Cám là con bà dì ghẻ. Mẹ Cám nanh ác nên Cám có cái mồm nhọn như mõm chuột, hai cái tai bé tí, gian tham và ranh ma !…

Bà mất đã 6 năm, nhưng câu chuyện “Tấm Cám” bà kể năm tôi lên bốn, đến nay tôi vẫn còn nhớ. Nhiều đêm nằm mơ, tôi vẫn thấy được bàn tay, đôi chân, giọng nói, nụ cười và gương mặt của Tấm.

Tấm có mái tóc dài, dài chấm lưng và đen nhánh. Đôi bàn tay khéo léo, nhanh nhẹn nên bữa nào mụ ghẻ bắt đi mò cua bắt tép, Tấm cũng bắt được nhiều hơn Cám. Tấm thật thà, tốt bụng, cả tin nên có lần đã bị cô em gian xảo đánh lừa trút hết cua ốc tôm tép.

Ở hiền nên Tấm gặp lành. Tấm có con cá bống làm bạn khi đang sống trong cảnh ngộ túi nhục, cô đơn. Tiếng Tấm dịu hiền gọi Bống làm em xúc động lắm: “Bống bổng bang bang, lên ăn cơm vàng cơm bạc nhà ta, chớ ăn cơm hẩm cháo hoa nhà người”. Nhưng rồi con cá bống đáng yêu đó cũng bị mẹ con mụ dì ghẻ độc ác giết chết.

–  Có hội, mụ dì ghẻ đổ đấu thóc trộn vào một đấu gạo, mụ bắt Tấm nhặt thóc ra thóc, gạo ra gạo. Mụ không muốn cho Tấm đi hội. Mụ chỉ muốn Cám, con gái ruột của mụ gặp được Hoàng tử thôi…Bà ơi! Thế rồi chị Tấm có được đi hội không hở bà? Chị Tấm có được gặp Hoàng tử không hở bà?

Tiếng bà kể, tôi vẫn nhớ. Bụt đã sai đàn chim sẻ bay xuống nhặt thóc giúp Tấm. Rồi Bụt lại ban cho Tấm một bộ lụa hồng để mặc đi hội. Qua chỗ lội, Tấm đánh rơi giày. Đoàn tùy tùng của Hoàng tử đã nhặt được. Qua bao nhiêu bàn chân ướm thử của các cô gái, cuối cùng, đôi chân thon nhỏ của Tấm xỏ vào thì giày vừa như in. Trong bộ quần áo lụa hồng, Tấm đẹp như cô tiên giáng trần. Hoàng tử đắm say vẻ đẹp lộng lẫy và đưa Tấm về cung cưới làm vợ.

Mẹ con mụ dì ghẻ đã lập mưu giết chết Tấm để cướp ngôi hoàng hậu. Con Vàng Anh biết nói tiếng người, trái thị thơm mà bà bảo đó là kiếp đời cô Tấm đó: “Thị thơm, Thị rụng bị bà, bà để bà ngửi, chứ bà không ăn”… Những ngày tháng Tấm ở với bà cụ hàng nước là những ngày tháng ấm áp nhất đối với Tấm. Tấm được sống trong tình thương mẹ con. Bàn tay của Tấm nõn nà khéo léo như búp ngọc, lúc bổ cau, lúc têm trầu. Chính miếng trầu cánh phượng của Tấm têm sáng hôm ấy đã làm cho Hoàng tử nhận ra người đẹp sau bao lần hóa kiếp.

–  Có chuyện ông Tơ bà Nguyệt không hớ bà ?

–  Có chứ ! Bụt là ông Tơ Hồng xe duyên cho Tấm và Hoàng tử nên vợ nên chồng đó.

Năm nay, đã 10 tuổi, nhiều đêm nằm mơ, tôi vẫn gặp cô Tấm – Hoàng hậu xinh đẹp trong truyện cổ tích bà kể ngày xưa.

Bài tham khảo 2:

Truyện cổ tích là bình chứa ước mơ của người xưa. Thông qua truyện cổ tích, người nông dân gửi gắm hi vọng về một cuộc sống tốt đẹp, công bằng trong xã hội. Truyện cổ tích đã gắn liền với mỗi chúng ta từ thuở còn nằm trong nôi. Những câu chuyện cổ tích qua lời kể dịu dàng của bà của mẹ ăn sâu vào trong tiềm thức của ta, theo ta lớn khôn tới tận bây giờ. Trong thế giới cổ tích đầy diệu kì và màu nhiệm ấy, tôi ấn tượng nhất với nhân vật anh Khoai trong truyện “Cây tre trăm đốt”.

Anh Khoai trong truyện “Cây tre trăm đốt” là một chàng trai mới ngoài đôi mươi. Thân hình anh to cao, khỏe mạnh. Khuôn mặt vuông chữ điền thể hiện vẻ hiền lành, phúc hậu. Mái tóc đen nhánh được búi lên đỉnh đầu. Đôi mắt anh đen láy ánh lên sự lanh lợi, thật thà. Làn da bánh mật chứng tỏ đã trải qua nhiều sương gió. Từ con người anh toát lên vẻ chân chất, đôn hậu của những người nông dân Việt Nam từ bao đời.

Mồ côi từ nhỏ, anh sớm phải đi ở cho phú ông. Là một chàng trai hiền lành, thật thà, cho nên, anh lúc nào cũng chịu thương chịu khó, một nắng hai sương. Những công việc khó khăn, vất vả anh đều sẵn sàng đảm đương một cách vui vẻ, chẳng bao giờ oán thán một lời. Anh dậy từ lúc chú gà trống cất tiếng gáy đầu tiên chào mừng buổi sáng, ra đồng khi sương vẫn còn phủ đẫm trên từng cành cây kẽ lá, lung linh như những hạt ngọc. Và khi trời đã tối không còn nhìn rõ mặt người, anh mới cùng chú trâu lững thững ra về. Nhờ sự lao động cần cù, chăm chỉ của anh, nhà phú ông chẳng mấy chốc có của ăn của để, trâu bò đầy chuồng, thóc gạo để đầy trong kho. Thế nhưng, phú ông gian manh, xảo quyệt lại lợi dụng sự thật thà, chân chất của anh. Ông ta hứa nếu anh chăm chỉ làm lụng cho ông, ông ta sẽ gả con gái cho.

Ngày thực hiện lời hứa cũng đến. Phú ông sai anh vào rừng, dặn anh tìm cho được cây tre trăm đốt rồi sẽ cho lấy con gái mình. Anh vào rừng với niềm hi vọng và tin tưởng. Nhưng, anh tìm mãi, tìm mãi mà chẳng thấy cây tre trăm đốt nào. Cuối cùng, lúc anh bật khóc, Bụt đã hiện ra giúp đỡ. Nhờ có câu thần chú: “Khắc nhập, khắc xuất” của Bụt, anh đã có được cây tre trăm đốt và trừng trị cho lão phú ông một bài học. Anh Khoai hiền lành, tốt bụng rốt cục cũng có được hạnh phúc xứng đáng. Điều ấy cũng thể hiện triết lí ở hiền gặp lành ta thường thấy trong truyện cổ tích:

“Ở hiền thì lại gặp hiền
Người ngay thì gặp người tiên độ trì”

Những câu chuyện cổ tích đã có từ xa xưa nhưng dường như lúc nào cũng có sức hút mới mẻ đối với tuổi ấu thơ của mỗi người. Truyện cổ tích sẽ mãi là dòng sữa ngọt ngào nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ của ta, dạy ta biết tin vào những điều thiện, điều tốt đẹp trong cuộc sống.

TẢI APP ĐỂ XEM OFFLINE