3. Luyện từ và câu: Tổng kết vốn từ

Giải câu 1, 2 Luyện từ và câu: Tổng kết vốn từ trang 156 SGK Tiếng Việt lớp 5 tập 1. Câu 2. Cô Chấm trong bài văn là người có tính cách như thế nào? Nêu những chi tiết và hình ảnh minh họa cho nhận xét của em.

Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Câu 1

Tìm những từ đồng nghĩa và trái nghĩa với mỗi từ sau:

a) Nhân hậu

b) Trung thực

c) Dũng cảm

d) Cần cù

Phương pháp giải:

Em xem xét nghĩa của mỗi từ sau đó tìm những từ đồng nghĩa và trái nghĩa với nó.

– Nhân hậu: Hiền và giàu lòng thương người, chỉ muốn đem những điều tốt lành đến cho người khác.

– Trung thực: Ngay thẳng, thật thà.

– Dũng cảm: Có dũng khí, dám đương đầu với khó khăn, nguy hiểm.

– Cần cù: Chăm chỉ và chịu khó.

Lời giải chi tiết:

Từ ngữ Từ đồng nghĩa Từ trái nghĩa
Nhân hậu              nhân ái, nhân từ, nhân đức, phúc hậu… bất nhân, độc ác, bạo ác, tàn nhẫn, tàn bạo, hung bạo…
Trung  thực thành thực, thật thà, thành thật, thực thà, chân thật, thẳng thắn… dối trá, gian dối, gian manh, gian giảo, giả dối, lừa dối, lừa lọc, lừa đảo…
Dũng cảm  anh dũng, mạnh bạo, gan dạ, dám nghĩ dám làm… hèn nhát, nhút nhát, hèn yếu, bạc nhược, nhu nhược…
Cần cù chăm chỉ, chuyên cần, chịu khó, siêng năng, tần tảo,..  lười biếng, lười nhác, đại lãn…

Câu 2

Cô Chấm trong bài văn sau là người có tính cách như thế nào? Nêu những chi tiết và hình ảnh minh họa cho nhận xét của em.

Cô Chấm

     Chấm không phải là một cô gái đẹp, nhưng là người mà ai đã gặp thì không thể lẫn lộn với bất cứ một người nào khác.

     Đôi mắt Chấm đã định nhìn ai thì dám nhìn thẳng, dù người ấy nhìn lại mình, dù người ấy là con trai. Nghĩ thế nào, Chấm dám nói thế. Bình điểm ở tổ, ai làm hơn, làm kém, người khác đắn đo, quanh quanh mãi chưa dám nói ra, Chấm nói ngay cho mà xem, nói thẳng băng và còn nói đáng mấy điểm nữa. Đối với mình cũng vậy, Chấm có hôm dám nhận hơn người khác bốn năm điểm. Được cái thẳng như thế nhưng không ai giận, vì người ta biết trong bụng Chấm không có gì độc địa bao giờ.

     Chấm cứ như một cây xương rồng. Cây xương rồng chặt ngang chặt dọc, chỉ cần cắm nó xuống đất, đất cằn cũng được, nó sẽ sống và sẽ lớn lên. Chấm thì cần cơm và lao động để sống. Chấm ăn rất khỏe, không có thức ăn cũng được. Những bữa Chấm về muộn, bà Am thương con làm nhiều, để phần dư thức ăn, Chấm cũng chỉ ăn như thường, còn bao nhiêu để cuối bữa ăn vã. Chấm hay làm thực sự, đó là một nhu cầu của sự sống, không làm chân tay nó cứ bứt rứt sao ấy. Tết Nguyên đán, Chấm ra đồng từ sớm mồng hai, dẫu có bắt ở nhà cũng không được.

     Chấm không đua đòi may mặc. Mùa hè một áo cánh nâu. Mùa đông rét mấy cũng chỉ hai áo cánh nâu. Chấm mộc mạc như hòn đất. Hòn đất ấy bầu bạn với nắng với mưa để cho cây lúa mọc lên hết vụ này qua vụ khác, hết năm này qua năm khác.

     Nhưng cô con gái có bề ngoài rắn rỏi là thế lại là người hay nghĩ ngợi, dễ cảm thương. Có bữa đi xem phim, những cảnh ngộ trong phim làm Chấm khóc gần suốt buổi. Đêm ấy ngủ, trong giấc mơ, Chấm lại khóc mất bao nhiêu nước mắt.

Theo ĐÀO VŨ

Phương pháp giải:

Từ những chi tiết miêu tả về cô Chấm, em hãy nhận xét về tính cách của cô. Chú ý bám sát nội dung của bài.

Lời giải chi tiết:

Cô Chấm trong bài văn có những tính cách sau:

* Trung thực, thẳng thắn:

– Đôi mắt Chấm đã định nhìn ai thì dám nhìn thẳng.

– Nghĩ thế nào, Chấm dám nói thế.

– Bình điểm ở tổ, ai làm hơn, làm kém Chấm nói ngay, nói thẳng băng. Chấm có hôm dám nhận hơn người khác bốn năm điểm. Chấm thẳng như thế, nhưng không ai giận, vì người ta biết trong bụng Chấm không có gì độc địa.

* Chăm chỉ:

– Chấm thì cần cơm và lao động để sống.

– Chấm hay làm, không làm chân tay nó bứt rứt.

– Tết Nguyên đán, Chấm ra đồng từ sớm mồng hai, bắt ở nhà cũng không được.

* Giản dị:

Chấm không đua đòi may mặc. Mùa hè, một cánh áo nâu, mùa đông hai cánh áo nâu. Chấm mộc mạc như hòn đất.

* Giàu tình cảm, dễ xúc động:

Chấm hay nghĩ ngợi, dễ cảm thương. Cảnh ngộ trong phim có khi làm Chấm khóc gần suốt buổi. Đêm ngủ, trong giấc mơ, Chấm lại khóc mất bao nhiêu nước mắt.

Sachgiaihay.com

TẢI APP ĐỂ XEM OFFLINE

TIẾNG VIỆT 5 – TẬP 1

TIẾNG VIỆT 5 – TẬP 2